Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Phòng ngừa hen phế quản ở trẻ em


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Hạn chế tiếp xúc các yếu tố gây khởi phát cơn hen
  2. Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài
  3. Phòng ngừa ban đầu hen phế quản

Hen phế quản là bệnh phổ biến, theo báo cáo của Tổ chức phòng chống hen toàn cầu GINA, trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội, các nhóm tuổi, với tỉ lệ tăng cao ở nhiều nước đang phát triển, tăng chi phí điều trị, tăng gánh nặng cho người bệnh và cộng đồng, đặc biệt là hen ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng tới quá trình trưởng thành của trẻ, ảnh hưởng tới sự phát triển từng gia đình và xã hội.

 

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp. Tình trạng viêm mạn tính này làm cho đường hô hấp trở nên rất nhạy cảm với nhiều chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường hô hấp (chủ yếu là phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân xuất hiện các cơn ho, khò khè, khó thở.

 

Tuy hen là bệnh mạn tính không thể điều trị dứt được nhưng có thể kiểm soát được. Kiểm soát hen tốt để đảm bảo chất lượng cuộc sống, phòng ngừa các cơn hen nặng, giảm triệu chứng mạn tính giữa các cơn hen và duy trì các hoạt động xã hội bình thường.

 

Hạn chế tiếp xúc các yếu tố gây khởi phát cơn hen

 

Tránh xa các nguyên nhân khởi phát cơn hen là ưu tiên hàng đầu khi kiểm soát hen phế quản:

 

- Không để vật nuôi (chó, mèo) trong nhà, diệt gián.

 

- Không hút thuốc lá trong nhà và nơi gần trẻ.

 

- Tránh dùng thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt mũi, côn trùng.

 

- Tránh nhang khói.

 

- Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, không nên trải thảm, thường xuyên giặt khăn trải giường và phơi ngoài nắng, duy trì không khí sạch và trong lành.

 

- Cân nhắc ngưng các thuốc nghi ngờ làm khởi phát cơn hen như kháng viêm không steroid, ức chế beta, aspirin, tuỳ theo đánh giá lợi ích-nguy cơ trong từng trường hợp.

 

 

Các yếu tố nguy cơ có thể gây khởi phát cơn hen phế quản (Ảnh minh họa)

 

Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài

 

Thuốc phòng ngừa hen phế quản hay còn lại là thuốc dự phòng hen là các thuốc dùng dài hạn giúp dự phòng các triệu chứng hen phế quản. Nếu dùng đều đặn và đầy đủ, chúng sẽ làm giảm co thắt đường dẫn khí hoặc làm giảm viêm đường dẫn khí hoặc cả hai.

 

Sử dụng thuốc dự phòng lâu dài khi trẻ có các biểu hiện sau:

 

- Bệnh hen không được kiểm soát tốt.

 

- Trẻ thường xuyên lên cơn hen > 1 lần/tuần (ít nhất 4 cơn trong 1 tháng), trẻ bị thức giấc vì cơn hen > 2 lần/ tháng, trẻ phải dùng thuốc cắt cơn hen mỗi ngày.

 

- Trẻ từng nhập viện vì cơn hen nặng.

 

Thuốc dự phòng hen phổ biến nhất hiện nay là corticoid dạng hít. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường trong nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường hô hấp, tuy nhiên trong quá trình dùng thuốc có thể gây nấm hầu họng, phòng ngừa được nếu trẻ súc miệng và họng sau khi sử dụng.

 

Thực hành lâm sàng cho thấy đa số các bà mẹ không sử dụng ống thuốc hít đúng cách. Điều này góp phần làm cho việc kiểm soát cơn hen kém và tăng số đợt kịch phát. Do đó huấn luyện kỹ năng để sử dụng hiệu quả các dạng thuốc hít là quan trọng. Để đảm bảo điều này cần lựa chọn ống thuốc hít thích hợp cho trẻ, kiểm tra kỹ thuật của các mẹ khi có cơ hội: yêu cầu phụ huynh thực hiện cách sử dụng ống hít trước đây, kiểm tra kỹ thuật của phụ huynh dựa vào bảng hướng dẫn chuyên biệt của dụng cụ.

 

Phòng ngừa ban đầu hen phế quản

 

Phòng ngừa ban đầu nói về phòng ngừa sự khởi phát bệnh. Một cách tổng quát, hen được cho là một bệnh lý đa dạng, sự bắt đầu và kéo dài của bệnh là do các tương tác gen-môi trường. Tương tác quan trọng nhất trong số này có thể xảy ra lúc đầu đời và thậm chí trong tử cung.

 

Có sự đồng thuận rằng "cửa sổ cơ hội" hiện diện lúc mang thai và lúc mới sinh khi các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hen phế quản. Dữ liệu ủng hộ vai trò của các yếu tố nguy cơ môi trường đối với sự phát triển hen ở trẻ em tập trung vào: Dinh dưỡng, dị nguyên, chất ô nhiễm, vi khuẩn và các yếu tố tâm lý – xã hội.

 

Vai trò của các yếu tố nguy cơ trong quá trình làm khởi phát bệnh hen ở trẻ:

 

+ Dinh dưỡng

 

- Nuôi con bằng sữa mẹ

 

Dù có nhiều nghiên cứu báo cáo của việc nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm các đợt khò khè lúc mới sinh nhưng nó không ngăn được sự phát triển của hen dai dẳng. Nuôi con bằng sữa mẹ nên được khuyến khích vì các lợi ích tích cực khác của nó chứ không nhất thiết vì phòng ngừa hen.

 

- Vitamin D

 

Vitamin D được cung cấp qua thức ăn, thuốc uống bổ sung hoặc ánh sáng mặt trời. Một nghiên cứu cắt ngang kết luận rằng trẻ được sinh bởi những bà mẹ tiếp nhận vitamin D đầy đủ thì nguy cơ mắc các bệnh gây khò khè thấp hơn.

 

Một nghiên cứu dịch tể học khác gợi ý việc cung cấp không đầy đủ các chất dinh dưỡng như kẽm, vitamin A, C, D, E, chế độ ăn ít rau và trái cây thường liên quan đến sự phát triển hen và dị ứng ở trẻ.

 

Mặc dù kết quả nghiên cứu đã cung cấp những bằng chứng dịch tể học còn yếu nhưng dù sao vẫn được ủng hộ về việc sử dụng những chất này đầy đủ có thể phòng ngừa hen.

 

+ Chất ô nhiễm

 

Mẹ hút thuốc lá trong thai kỳ là đường trực tiếp nhất của phơi nhiễm khói thuốc lá môi trường trước sinh. Có nhiều giả thiết đặt ra rằng khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động từ cha hoặc những người sống trong gia đình ở giai đoạn trước và sau sinh có liên quan tới hen và các bệnh khò khè hay không.

 

Kết quả từ 79 nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm với khói thuốc lá trước và sau sinh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khò khè là 30 - 70% (tác động mạnh nhất đến trẻ từ sau sinh cho đến dưới 2 tuổi), và tăng nguy cơ mắc bệnh hen từ 21 - 85% (tác động mạnh nhất từ lúc trước sinh cho đến dưới 2 tuổi).

 

+ Tác dụng vi sinh

 

"Thuyết quần thể vi sinh" và "thuyết đa dạng sinh học" gợi ý rằng tương tác môi trường với vi sinh có thể có lợi trong việc phòng ngừa hen. Ví dụ những trẻ được nuôi ở trang trại, tiếp xúc với chuồng ngựa và uống sữa tươi có nguy cơ hen thấp hơn. Phơi nhiễm ở trẻ đối với vi khuẩn âm đạo của mẹ lúc sinh qua ngã âm đạo cũng có thể có lợi. Tỉ lệ mắc bệnh hen ở trẻ sinh mổ cao hơn so với trẻ sinh qua ngã âm đạo.

 

+ Thuốc

 

Việc sử dụng kháng sinh lúc mang thai, ở trẻ nhỏ và trẻ tập đi kết hợp với sự phát triển hen sau này, mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều cho thấy sự kết hợp này. Sử dụng thuốc giảm đau, paracetamol và việc thai phụ sử dụng thuốc này thường xuyên đi cùng với hen ở con cái của họ.

 

Stenstaballe nghiên cứu về việc sử dụng kháng sinh của bà mẹ trong thai kỳ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển hen trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Dữ liệu cho thấy tăng nguy cơ hen nặng nếu bà mẹ sử dụng kháng sinh trong suốt ba tháng đầu thai kỳ. Kết quả nghiên cứu còn khẳng định rằng trẻ tăng nguy cơ nhập viện vì hen và phải dùng corticoid dạng hít nếu bà mẹ sử dụng kháng sinh trong suốt thời gian mang thai.

 

+ Yếu tố tâm lý

 

Môi trường xã hội mà trẻ em phơi nhiễm cũng góp phần vào sự phát triển và độ nặng của hen. Một nghiên cứu cắt dọc đánh giá sự liên quan giữa tình trạng căng thẳng trong suốt những năm đầu đời và trước đó của trẻ trên 13.907 trẻ em (nhóm trẻ dưới 7 tuổi được đưa vào nghiên cứu), dựa vào các dữ liệu từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe và kê toa, nghiên cứu đã cung cấp những bằng chứng rõ nét rằng căng thẳng trong giai đoạn đầu đời của trẻ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hen.

 

Ngày nay tần suất hen ngày càng gia tăng, đặc biệt ở trẻ em do quá trình thay đổi khí hậu toàn cầu, quá trình đô thị hoá gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy hiểu về bệnh hen và cách phòng bệnh là điều cần thiết cho các bậc phụ huynh để giúp trẻ có thể sinh hoạt, học tập và vui chơi bình thường.

 

Theo Sức khỏe đời sống

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát