Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Sự liên quan giữa cúm và bệnh hen phế quản


Hen phế quản là một trong những bệnh lý mạn tính đường hô hấp thường gặp nhất, với khoảng 300 triệu người mắc trên thế giới. Trong 2 thập kỷ gần đây, tần xuất mắc cũng như những gánh nặng do bệnh gây ra đã gia tăng một cách nhanh chóng, nhất là ở trẻ em.

 

Bệnh thường diễn biến cấp từng đợt xen kẽ với những giai đoạn ổn định, trong đó, các đợt cấp có thể bị khởi phát do nhiều yếu tố khác nhau như thay đổi thời tiết (gây nhiệt độ lạnh và độ ẩm cao), gắng sức, sang chấn tâm lý, thuốc… và đặc biệt là tình trạng nhiễm virus đường hô hấp.

 

Các chủng virus thường gặp nhất gây ra đợt cấp của hen là hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm và rhinovirus, trong đó, hợp bào hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, virus cúm và rhi­novirus thường gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành, còn virus á cúm có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi. Virus cúm thuộc họ orthomyxovirus. Dựa vào protein nhân, có 3 chủng là cúm A, B và C, trong đó 2 chủng A và B thường gây bệnh ở người, đặc biệt cúm A thường nặng hơn cúm B và có thể tạo thành dịch.

 

cúm và hen phế quản

 

Cúm là một bệnh mang tính mùa vụ, với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là vào mùa đông xuân, do có độ ẩm không khí cao tạo điều kiện cho virus dễ phát triển. Hàng năm, các vụ dịch cúm xảy ra ở khắp nơi trên thế giới đã gây ra không ít trường hợp tử vong và các tổn thất cho người bệnh, đặc biệt là với những người mắc các bệnh lý mạn tính đường hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

 

Tác động tiêu cực của cúm đối với bệnh hen là điều đã được nhận biết từ nhiều năm nay. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, số lần đi khám, cấp cứu, số lần nhập viện, lượng thuốc sử dụng trong điều trị hen, số đợt cấp của hen, tỷ lệ viêm phổi và tỷ lệ tử vong do hen đều tăng lên rõ rệt trong mùa cúm ở những người bệnh hen, đặc biệt là trẻ em và những người trên 65 tuổi. Ngoài ra, còn có những bằng chứng cho thấy, các tổn thất cũng như những phiền toái do cúm gây ra ở những người bệnh hen cũng đều cao hơn so với những người không mắc hen.


Tiêm phòng vaccin cúm ở người bệnh hen:


Do các tác động tiêu cực cúm đối với người bệnh hen nên dễ hiểu khi các nhà khoa học đã rất nỗ lực tìm kiếm các biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ mắc cúm ở những người bệnh này, và tiêm phòng vaccin cúm là một trong những biện pháp đầu tiên được nghĩ đến. Ở những nước phát triển, vaccin cúm được thay đổi hàng năm và thường có chứa 3 loại virus cúm nhiều khả năng xuất hiện nhất trong năm đó. Nếu được sử dụng đúng, khả năng bảo vệ của vaccin cúm ở những người khoẻ mạnh dưới 65 tuổi là khoảng 70-90% và ở trẻ em là 30-60%, ở những người trên 65 tuổi, khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn.

 

Trước đây đã có những nghi ngờ về khả năng vaccin cúm có thể gây tăng sức cản đường thở và dẫn đến các cơn hen cấp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trong các vụ dịch cúm gần đây cho thấy, việc tiêm phòng vaccin cúm không làm tăng số cơn hen như những mối nghi ngại này.

 

Một mối quan tâm khác đối với việc tiêm phòng vaccin cúm là liệu việc dùng glucocorticoid trong điều trị hen có làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vaccin cúm hay không. Một số nghiên cứu có qui mô lớn gần đây đã chứng minh rằng, việc dùng các thuốc glucocorticoid đường uống hoặc tiêm truyền ngắn ngày (như methylprednisolone, prednisolone) hoặc đường hít (như fluticasone, budesonide) đều không làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng kích thích sinh miễn dịch của vaccin cúm. Tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccin cúm đối với những người bệnh hen cũng là một vấn đề rất được quan tâm.

 

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả nước ngoài thì những bệnh nhân hen được tiêm phòng vaccin cúm có số lần đi cấp cứu vì hen cũng như lượng thuốc điều trị hen tiêu thụ thấp hơn đáng kể so với những bệnh nhân không được tiêm phòng. Ngoài ra, tỷ lệ xảy ra các tai biến do tiêm phòng vaccin cúm ở những người bệnh hen cũng không cao hơn so với những người khoẻ mạnh. Do sự an toàn và những lợi ích mà vaccin cúm đem lại cho người bệnh hen, vaccin này đã được khuyến cáo sử dụng cho những người bệnh hen trên 65 tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Để đảm bảo hiệu quả, vaccin cúm nên được tiêm nhắc lại hàng năm vào trước mùa cúm.


Điều trị cúm ở những người bệnh hen:


Trong các chủng virus có thể gây khởi phát các đợt cấp của hen, chỉ virus cúm là có thể điều trị và dự phòng được một cách có hiệu quả bằng thuốc. Thuốc diệt virus cúm nên được dùng sớm ngay khi cúm được chẩn đoán xác định, tốt nhất là trong vòng 48 giờ đầu sau khi bệnh khởi phát. Để phát hiện sớm được cúm, bên cạnh các phương tiện xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, điều rất cần thiết là các thày thuốc và người bệnh hen phải ý thức được sự phổ biến và nắm được những triệu chứng sớm của bệnh như đau họng, ngạt xổ mũi, hắt hơi, ho và sốt. Điều trị thuốc diệt virus sớm không chỉ giúp giảm các biến chứng của bệnh mà còn giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng như các tác động tiêu cực đối với bệnh hen.

 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, dùng sớm oseltamivir, một loại thuốc diệt virus mới có hiệu quả với nhiều chủng cúm khác nhau cho những trẻ em hen bị cúm giúp cải thiện chức năng phổi và giảm số cơn hen trong thời gian mắc cúm. Bên cạnh đó, thuốc này cũng có độ an toàn khá cao, kể cả với trẻ em, nên thường được sử dụng trong điều trị và dự phòng cúm ở người bệnh hen, tuy nhiên giá thành điều trị của thuốc khá cao. Các thuốc diệt virus cúm trước đây thường sử dụng như aman­tadine và rimantadine có nhiều tác dụng phụ và đã bị kháng bởi khá nhiều chủng virus cúm A ở các vụ dịch cúm trong một vài năm gần đây nên ít được sử dụng.


Một điều cần lưu ý là trong các đợt cấp của hen do cúm khởi phát, các thuốc điều trị hen có thể được sử dụng một cách an toàn mà không gây ra các tác động tiêu cực đối với cúm, kể cả glucocorticoid đường toàn thân nếu được sử dụng ngắn 10 ngày.

Ths.Bs. Nguyễn Hữu Trường
Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng BV Bạch mai

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát