Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Biến chứng của bệnh hen phế quản


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Các biến chứng tức thì, trực tiếp của cơn hen phế quản
  2. Các biến chứng lâu dài của bệnh hen phế quản
  3. Hạn chế biến chứng của hen phế quản
  4. Lời khuyên của thầy thuốc

Trong quá trình diễn biến bệnh hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn, người bệnh có khả năng gặp phải nhiều biến chứng khác nhau. Những biến chứng của hen phế quản có thể liên quan trực tiếp và tức thì nhưng cũng có những biến chứng do quá trình tiến triển mạn tính của bệnh.

 

Hen phế quản hay hen suyễn là một trạng thái lâm sàng của sự phản ứng cao độ ở phế quản do nhiều kích thích khác nhau, được biểu hiện đặc trưng bởi các triệu chứng như khó thở, có tiếng cò cử do hậu quả của co thắt cơ trơn phế quản, phù nề niêm mạc phế quản và tăng tiết nhầy phế quản. Các triệu chứng này là điển hình của một cơn hen cấp tính. Các cơn hen cấp tính thường xảy ra vào ban đêm, có thể tự hồi phục (do dùng thuốc hoặc không).

 

Hen thường được chia thành hai loại:

 

- Hen ngoại sinh (hay còn gọi là hen dị ứng), bệnh có thể khởi phát từ khi còn trẻ (hen sớm), hen suyễn có thể thường kèm với eczema hoặc viêm mũi dị ứng, có tiền sử gia đình bị hen, test da dương tính với dị nguyên. Thường gặp ở trẻ em.

 

- Hen nội sinh (hay gọi là hen nhiễm trùng) là những trường hợp không do dị ứng thường hen muộn trên 30 tuổi, không có tiền sử gia đình bị hen, triệu chứng dai dẳng, không rõ yếu tố làm bùng nổ cơn hen (trừ nhiễm trùng và Aspirin), test da âm tính, IgE máu bình thường. Thường gặp ở đối tượng có tiền sử hút thuốc lá.

 

Hen khởi phát và kéo dài của sự phối hợp nhiều yếu tố nguy cơ, gồm yếu tố bản thân và yếu tố môi trường. Hen kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng, ngay trong các cơn cấp hoặc biến chứng do diễn tiến mạn tính của bệnh.

 

Các biến chứng tức thì, trực tiếp của cơn hen phế quản

 

Theo các chuyên gia hô hấp, các biến chứng tức thì, trực tiếp của cơn hen phế quản được chia làm 4 nhóm chính gồm: suy hô hấp cấp tính, tràn khí màng phổi, nhiễm khuẩn phế quản và các ổ tổn thương nhu mô phổi.

 

+ Suy hô hấp cấp tính xảy ra trong những trường hợp có cơn hen phế quản ác tính, trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người bệnh và đòi hỏi phải có xử trí cấp cứu rất khẩn trương theo đúng phương pháp điều trị.

 

+ Tràn khí màng phổi xảy ra do trong cơn hen phế quản có một số phế nang bị căng đầy không khí vở ra, khí thoát vào màng phổi. Đột nhiên bệnh nhân đau ngực dữ dội với các triệu chứng lâm sàng rất nguy kịch biểu hiện dấu hiệu phổi gõ quá trong, rung thanh giảm và mất hẳn tiếng rì rào phế nang. Tuy nhiên nhiều khi các dấu hiệu trên không rõ rệt, khó phát hiện vì bị các triệu chứng của cơn hen phế quản lấn át mà phải chiếu X-quang phổi mới thấy rõ. Thực tế cũng có khi gặp cả hiện tượng tràn khí dưới da và tràn khí trung thất. Biến chứng tràn khí màng phổi thường gặp ở cả người trẻ tuổi và trẻ em, thường xảy ra sau những cơn ho rũ rượi, khó thở nhiều.

 

+ Nhiễm khuẩn phế quản thường gặp ở những bệnh nhân bị hen phế quản nặng, có cơn hen phế quản kéo dài. Tình trạng nhiễm khuẩn làm phế quản bị tắc nghẽn nặng hơn và tác dụng điều trị nhất thời kém hiệu quả. Khi người bệnh bị nhiễm khuẩn phế quản có tính chất dai dẳng, cần phát hiện các ổ nhiễm khuẩn làm mủ mạn tính ở tai mũi họng hoặc sự suy giảm miễn dịch thể dịch toàn bộ.

 

+ Các ổ tổn thương nhu mô phổi được phát hiện bằng phim chụp X-quang, biến chứng này có thể do nguyên nhân vi khuẩn hoặc virút, cũng có thể là do một thâm nhiễm với tình trạng tăng bạch cầu ưa axít trong máu.

 

Yếu tố môi trường ảnh hưởng tới bệnh hen phế quản (Ảnh minh họa)

 

Các biến chứng lâu dài của bệnh hen phế quản

 

Các biến chứng lâu dài của hen phế quản hay xuất hiện sau nhiều năm bị bệnh và thường là hen phế quản nặng, có nhiều cơn hen trong năm và không được điều trị đúng cách. Một số biến chứng lâu dài thường gặp ở bệnh nhân hen phế quản bao gồm:

 

+ Biến chứng biến dạng lồng ngực có thể gặp trong các trường hợp bị hen phế quản từ lúc còn nhỏ, lồng ngực căng tròn, xương ức nhô ra phía trước hoặc lồng ngực nở rộng ở phía trước.

 

+ Biến chứng do điều trị thường vì người bệnh quá lạm dụng một số loại thuốc, do dùng nhiều loại thuốc corticoide gây nên hội chứng Cushing, loãng xương, nhiễm khuẩn dai dẳng, bệnh tâm thần - thần kinh; nếu dùng quá nhiều các loại thuốc như adrenalin có thể bị tử vong đột ngột hoặc mắc hội chứng phổi bị ức chế. 

 

+ Biến chứng suy hô hấp mạn tính có thể dẫn đến suy tim do bệnh phổi, nếu một phế quản bệnh nhân bị tắc nghẽn nặng, người bệnh luôn luôn tím tái, khó thở và sau đó tim bị suy với các triệu chứng phù, đi tiểu ít, gan to... và bệnh nhân dễ bị tàn phế; biến chứng này thường gặp ở những người lớn tuổi, bị bệnh hen phế quản lâu năm nhưng không được điều trị chu đáo.

 

Hạn chế biến chứng của hen phế quản

 

Vì viêm là mạn tính nói đến bệnh hen là nói đến quá trình bệnh lâu dài. Trên nền viêm mạn tính ấy, tức là trên nền bệnh hen mạn tính ấy, thỉnh thoảng khi cơ thể tiếp xúc một yếu tố gây kích phát cơn hen từ môi trường, tình trạng viêm đường thở nặng hơn, tình trạng co thắt đường thở nhiều hơn làm đường thở hẹp nhiều hơn nữa, gây tắc nghẽn nặng hơn nữa, lúc đó chúng ta có cơn hen cấp. Như vậy có thể nói bệnh hen đóng vai trò là một nền viêm dai dằng bên dưới, còn cơn hen đóng vai trò như một biến cố cấp tính xuất hiện trên nền bệnh mạn tính đó.

 

Điều trị tận gốc là một việc rất khó, bệnh có thể tạm khỏi sau một thời gian dài nhưng sau đó có thể tái phát. Thực tế nếu phát hiện được nguyên nhân gây bệnh thì có thể điều trị tận gốc nhưng hen phế quản thường do nhiều nguyên nhân phối hợp, rất ít khi chỉ do độc nhất một nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể gặp là hen phế quản do dị ứng, hen phế quản do nhiễm khuẩn, hen phế quản do rối loạn nội tiết...

 

Hen phế quản do dị ứng điều trị tận gốc chủ yếu bằng phương pháp giải mẫn cảm, trong thời gian dài có thể cho người bệnh dùng chất làm cho bệnh nhân lên cơn hen với liều lượng tăng dần để làm quen với dị nguyên gây hen phế quản nhưng rất khó thực hiện vì bệnh nhân phải tiêm dị nguyên lặp lại nhiều năm nên thường bỏ trị; cũng có thể cho bệnh nhân sống tách biệt với những dị nguyên đã gây hen, nếu dị ứng do nghề nghiệp thì có thể khuyến cáo người bệnh chuyển nghề để tránh tiếp xúc với các chất gây hen của nghề cũ.

 

Hen phế quản do nhiễm khuẩn có thể xảy ra ít nhiều khi bị nhiễm khuẩn nhất là ở trẻ em và người cao tuổi, tình trạng nhiễm khuẩn có thể là nguyên nhân nhưng cũng có thể là hậu quả của hen phế quản; dù là nguyên nhân hay hậu quả thì việc điều trị khỏi tình trạng nhiễm trùng là điều rất cần thiết với các kháng sinh có phổ rộng, nên phối hợp kháng sinh với một loại corticoide để tăng hiệu lực điều trị, có thể dùng vắcxin chống nhiễm khuẩn; lưu ý vùng tai mũi họng vì vùng này rất dễ bị nhiễm khuẩn gây hen phế quản.

 

Hen phế quản do rối loạn nội tiết cần được ghi nhận ở bệnh nhân nữ trong giai đoạn hoạt động tình dục, cơn hen có thể xuất hiện hoặc tăng lên rõ rệt trong thời gian sắp có kinh nguyệt và điều trị bằng nội tiết tố progesterone hay một số phức hợp gamma globulin; ngoài ra cũng cần quan tâm đến trạng thái tâm căn của người bệnh, cần giải thích và hướng dẫn tập luyện, đặc biệt là tập thở với sự tiếp cận điều trị thật khéo léo, điều này có thể làm cho người bị hen phế quản khỏi bệnh.

 

Tóm lại, để những biến chứng do bệnh hen phế quản không xảy ra, ngoài hạn chế tiếp xúc với dị nguyên cần giải quyết được hai vấn đề:

- Điều trị cắt cơn hen cấp tính để hạn chế những biến chứng tức thì

- Điều trị dự phòng làm giảm tình trạng viêm vốn có của đường thở, khi tình trạng viêm của đường thở được kiểm soát thì dù có gặp các yếu tố thuận lợi cơn hen cũng sẽ không xuất hiện.

 

Thực tế khó có một loại thuốc hay một phương pháp nào hữu hiệu để điều trị bệnh hen phế quản và cũng rất khó đánh giá kết quả; vì vậy đối với từng bệnh nhân cần phân tích cụ thể các nguyên nhân có thể có những yếu tố tâm sinh lý, hoàn cảnh xã hội của từng người để xử trí đúng đắn, làm cho người bệnh hiểu được sự cần thiết phải điều trị kéo dài và thực hiện đúng những đòi hỏi, yêu cầu của chuyên môn.

 

Điều trị cấp cứu cơn hen phế quản khi người bệnh đang lên cơn hen được xử trí tùy theo từng trường hợp gồm: cơn hen không nặng, cơ hen nặng hơn, cơn hen cấp phát hay cơn hen kéo dài và các trường hợp đặc biệt như hen phế quản do gắng sức, hen phế quản ở phụ nữ mang thai, hen phế quản ở phụ nữ đang cho con bú... theo những quy định cần thiết.

 

Lưu ý trong những trường hợp bệnh nhân hen phế quản có kèm theo các biến chứng như viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang, tim phổi mạn tính... thì bên cạnh việc điều trị hen phế quản, phải sử dụng thêm kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu... để điều trị các biến chứng đã nêu ở trên.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

 

Vì hen phế quản là một bệnh thường có yếu tố thể tạng nên việc phòng bệnh rất khó khăn. Các nhà khoa học khuyến cáo nếu nam nữ đều bị hen phế quản dị ứng do yếu tố bẩm sinh thì không nên kết hôn với nhau; cần chữa trị sớm các bệnh lý về mũi họng, đường hô hấp; để phòng ngừa các loại hen phế quản do nguyên nhân khác thì ngoài biện pháp luyện tập thể dục, cần giữ môi trường sống trong sạch, ít bụi bặm và thoáng mát... Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh hen phế quản, người bệnh nhân chủ động điều trị và kiểm soát hen theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể cân nhắc các thuốc y học cổ truyền để giảm gánh nặng cho cơ thể khi phải dùng thuốc tây kéo dài.

 

Tổng đài tư vấn sức khỏe miễn cước 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát