Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Salbutamol, hen phế quản và hệ luỵ


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Salbutamol trong điều trị hen

Những ngày qua, việc đưa chất salbutamol vào chăn nuôi đã làm nóng trong dư luận lẫn cả hội trường Quốc hội khi xem xét trách nhiệm thuộc về Bộ ngành nào. Dưới đây là bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại về vấn đề này.


Salbutamol là một tiền chất để sản xuất thuốc điều trị hen, và việc nhập thuốc hoàn toàn thuộc quyền của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế. Từ 2002, salbutamol bị liệt vào chất cấm, không được sử dụng trong chăn nuôi. Do đó, sử dụng làm chất tạo nạc là phạm pháp.
 

Salbutamol trong điều trị hen


Hen là tình trạng viêm mạn gây co thắt cơ trơn phế quản, phì đại các tuyến và tăng chế tiết chất nhầy đưa đến hẹp lồng phế quản gây khó thở. Cơn hen thường được khởi phát khi cơ thể người bệnh tiếp xúc với các yếu tố kích phát như không khí lạnh, bụi bẩn, khói thuốc lá, các chất gây dị ứng (dị nguyên).v.v….

 

đường thở bị viêm


Theo cơ chế bệnh sinh, thuốc điều trị hen gồm các nhóm (theo thứ tự ưu tiên) sau: (1) thuốc dãn phế quản, các chất đồng vận beta (salbutamol, terbutaline…), các xanthine (diaphylline, theophylline, elixophyllin), (2) thuốc kháng viêm họ corticosteroids như fluticasone, budesonide, flunisolide, ciclesonide, beclomethasone, mometasone, fluticasone, (3) thuốc kháng histamine, (4) thuốc long đàm và (5) thuốc kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.

Đa số các thuốc này này thường được dùng dưới dạng khí dung để vừa tác dụng tại chỗ và nhanh chóng thích hợp. Hai khí dung chứa thuốc đồng vận beta hiện nay được dùng rất nhiều là salbutamol (Ventoline) và terbutalin (Bricanyl). Cần lưu ý, trong trường hợp không có co thắt cơ trơn phế quản, thuốc giãn phế quản không có tác dụng trên cơ trơn phế quản, thay vào đó, thuốc sẽ gây ra những tác dụng khác như: làm cho nhịp tim nhanh, gây chuột rút, run tay, hạ kali máu…

Như vậy, salbutamol chỉ là một trong số thuốc đồng vận beta được dùng nhiều, chứ không phải là thuốc duy nhất, để làm dãn phế quản trong điều trị hen phế quản.

Rắc rối nảy sinh khi người ta phát hiện rằng lợn khi ăn thực phẩm có trộn salbutamol sẽ nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là giảm phần mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc. Và các nhà chăn nuôi “bất lương” đã lén lút, phi pháp thúc lợn nạc bằng thuốc đông vận beta này cho lợn ăn.

Vì những tác hại cho con người khi lạm dụng salbutamol làm chất tạo nạc, Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Tổ chức Lương nông Thế giới FAO đã có thông tư cấm sử dụng tất cả các hợp chất khác trong nhóm beta- agonists trong chăn nuôi. Các nước trên thế giới cũng đã lần lượt cấm sử dụng: Mỹ cấm từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc cấm năm 1990, Tây Ban Nha năm 1994.. Việt Nam kể từ năm 2002.. .

Nhưng thực tế do quản lý kém và không hậu kiểm, hầu hết salbutamol nhập khẩu đều được tuồn bất hợp pháp cho các trang trại nuôi heo trên toàn quốc.

Lượng salbutamol dùng trong y tế là bao nhiêu?
 

Theo báo điện tử Chính phủ, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hen phế quản ở người trưởng thành Việt Nam là 4,1%, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm người trên 80 tuổi (11,9%), thấp nhất ở nhóm 21-30 tuổi (1,5%).

Thử làm bài tính nhẩm với 3 điều kiện không có thực để tối đa lượng salbutamol cần thiết trong y tế là: (1) Tất cả bệnh nhân hen đều dạng nặng (mỗi tháng lên cơn 1 lần), (2) Chỉ dùng duy nhất salbutamol dạng viên nén uống (không dùng loại thông dụng là xịt khí dung), (3) Các chế phẩm này hoàn toàn được sản xuất trong nước (không dùng thuốc sản xuất nước ngoài nhập về), kết quả sẽ là 4.1% dân số Việt Nam bị hen phế quản mỗi năm chỉ cần khoảng 1.500 ký lô salbutamol mà thôi !!!

Trong khi đó, theo ANTV, năm 2014 - 2015, Bộ Y tế đã cho nhập khẩu tới hơn 9 tấn salbutamol để phục vụ chữa bệnh ở người. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 10 kg, tương đương 0,11% được sử dụng đúng mục đích, tức là phục vụ chữa bệnh cho người.

Theo đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, qua thống kê trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định.

Ngày 23/3/2016, tại buổi tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi heo - thực trạng và giải pháp” với sự tham gia của đại diện bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, nhiều thông tin “chính thức” khiến cử tọa sững sờ: Chỉ có 3 trong số 9 tấn sabutamol được cấp phép nhập khẩu sử dụng vào mục đích sản xuất thuốc, số còn lại đã bị các công ty dược tuồn ra thị trường và như vậy trong năm 2015, người tiêu dùng trên cả nước có thể đã ăn tới 6 tấn chất cấm trong chăn nuôi!!!


Còn theo số liệu của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cung cấp cho Cục Cảnh sát Môi trường, cả nước hiện có 20 công ty được phép nhập khẩu salbutamol (trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành nhập trong 2 năm 2014-2015 với tổng số hơn 9,14 tấn) và có 40 nhà máy, xưởng sản xuất được cấp phép sản xuất thuốc có chất salbutamol với nhu cầu thực sử dụng trong y tế là 3,5 tấn.

Như vậy, lượng nhập “có phép” dù là 3 hay 6 tấn cũng quá lớn so với nhu cầu, những ai có trách nhiệm quản lý phải chịu trách nhiệm về việc này.

Đôi điều bàn luận

* Chất độc thực phẩm tác hại lớn, cần nghiêm trị


Trên cái nhìn vĩ mô, chất độc thực phẩm còn nguy hại hơn cả ma túy: ma túy chỉ ảnh hưởng lên nhóm con nghiện, chất độc thực phẩm ảnh hưởng lên cả cộng đồng và cả thế hệ mai sau. Do đó, động thái cho chất cấm vào thực phẩm trực tiếp hay gián tiếp qua chăn nuôi đều là phạm pháp cố tình cần phải nghiêm trị, phạt thật năng và hình sự hóa.

Salbutamol nhập về với mục đích duy nhất là để làm thuốc. Do đó cơ quan chủ quản, cụ thể là Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm khi cho phép nhập tràn lan vượt nhu cầu và không hậu kiểm để biết lượng salbutamol thừa thải đã đi đâu.

Bộ Y tế không thể đổ trách nhiệm của mình qua Bộ NN&PTNT như nhận định của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng GTVT, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tại phiên họp Chính phủ sáng nay 26-3: “Xin lỗi anh Phát với chị Tiến, các bộ nói phối hợp với nhau tốt nhưng dân vẫn phải ăn bẩn, thì tốt cái gì”.

Đại tá Trần Trọng Bình, Cục phó Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, cho biết, từ ngày 25/2/2016 các sản phẩm chứa chất cấm bị phát hiện sẽ bị tiêu hủy và từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định sử dụng chất cấm vào thực phẩm, ngoài bị xử phạt hành chính còn bị phạt tù giam lên đến 20 năm.

* Chỉ nên dùng thực phẩm có kiểm định

Là người dân, dù có muốn chúng ta cũng không thể và không có trách nhiệm phải phân biệt đâu là thức ăn bẩn hay sạch như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở: “Anh Phát, chị Tiến đã báo cáo trước nhân dân không phải rau, thịt tất cả đều bẩn mà chỉ có tỷ lệ nhất định thôi. Nhưng vấn đề đặt ra là người dân bình thường, như tôi đây làm sao phân biệt được cái nào là bẩn, cái nào là sạch. Trách nhiệm đó không thể đổ cho người dân, mà nhà nước phải giúp. Phải quan tâm đầu tư thiết bị đo lường chất lượng, dán nhãn để khẳng định thực phẩm đó là sạch thì người dân mới có lòng tin”.


TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM

Theo Dantri.com.vn

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát