Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Thuốc giả: Nỗi lo thật


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Thị trường thuốc giả rất béo bở
  2. Uống thuốc giả, người bệnh có được bồi thường?

Dù thị trường dược được kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều loại thuốc giả vẫn có mặt ở các chợ thuốc, nhà thuốc. Một vốn bốn lời khiến những kẻ làm ăn bất chính sẵn sàng tung ra thị trường nhiều loại thuốc giả, bất chấp tính mạng người dân. Thuốc giả từ Nam ra Bắc

Cuối tháng 1/2017, nhiều nhân viên Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha tại TPHCM phát hiện nhiều loại thuốc Prednisolon 5mg chai 500 viên nén có số đăng ký VD-11184-10, số lô 0303, ngày sản xuất 15/7/2015 và hạn dùng 15/7/2018 ghi Công ty Vidipha sản xuất. Đây là loạt thuốc điều trị nhiều bệnh như hen phế quản, viêm phế quản mạn,  viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến, viêm loét đại tràng và viêm da.

Nghi ngờ đây là thuốc giả vì Vidipha không sản xuất loại chai 500 viên nén cũng như số đăng ký trên nên họ lần tìm và phát hiện thuốc này được bán tại hai cửa hàng của Công ty TNHH dược phẩm Thiện Duy ở 134/1 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 TPHCM. Công ty Vidipha báo cáo vụ việc lên Sở Y tế TPHCM.

Mặc dù Công ty TNHH dược phẩm Thiện Duy có đầy đủ các giấy tờ pháp lý nhưng cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán thuốc không được ghi chép và cập nhật đầy đủ. Đặc biệt, Thanh tra Sở Y tế phát hiện 48 chai thuốc Prednisolon 5mg chai 500 viên nén nghi ngờ làm giả nhưng người phụ trách công ty này không cung cấp được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Số thuốc này đã bị niêm phong. Làm việc với Sở Y tế TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Thành- giám đốc Công ty dược phẩm Thiện Duy nói đã mua số thuốc này từ “một trình dược viên”. “Do tin thuốc có thông tin rõ ràng và nơi sản xuất ghi của Công ty CP dược phẩm Trung ương Vidipha có uy tín nên tôi yên tâm, muốn mua để giới thiệu cho khách hàng, vì vậy không hỏi hóa đơn”- ông Thành nói. Còn ông Lê Bửu Trường- Phó Tổng giám đốc Vidipha thừa nhận loại thuốc này công ty ông không sản xuất.

Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM Bùi Minh Trạng cho biết đã gửi mẫu số thuốc này sang Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm TPHCM kiểm tra. Kết quả cho thấy, mẫu thuốc Prednisolon 5mg là thuốc giả vì không đạt chỉ tiêu định tính theo tiêu chuẩn. “Sở Y tế nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm về sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh giả nên chuyển hồ sơ vi phạm của Công ty dược phẩm Thiện Duy qua Công an TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ”- công văn của Sở Y tế TPHCM gửi công an nêu.

Không chỉ bị làm giả tuồn ra chợ dược ở TPHCM, cùng thời điểm, thuốc Prednisolon 5mg giả cũng được phát hiện tại Trung tâm dược phẩm Hapu ở Hà Nội. Theo Cục Quản lý Dược, thuốc bị làm giả với thông tin trên nhãn là Prednisolon 5mg, số đăng ký VD -11185-10, số lô: 030315, nhãn thuốc có ghi mạo danh nơi sản xuất là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha. Mẫu thuốc Prednisolon trên được lấy tại Chi nhánh công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn tại Trung tâm dược phẩm Hapu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thuốc không đạt tiêu chuẩn. Thông tin từ Công ty Vidipha còn cho thấy loạt thuốc Prednisolon 5mg bị làm giả còn xuất hiện tại tỉnh Gia Lai.

 

thuốc giả



Một vốn bốn lời
 

Cuối năm ngoái, PC46- Công an TPHCM triệt phá đường dây làm thuốc giả quy mô lớn, thu giữ hơn 4.000 vỉ thuốc ho tân dược, thuốc trị cơ xương khớp giả. Tất cả số thuốc này được đưa về vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến An Giang tiêu thụ. Theo Thượng tá Đinh Văn Toàn, PC46, Công an TPHCM bằng thủ đoạn cho quân đi gom các thuốc hết hạn sử dụng hoặc cận hạn dùng với giá rẻ, đối tượng cầm đầu tổ chức bóc tách, thay nhãn mác để “lên đời” thành thuốc ngoại với giá cao hơn từ 3-10 lần sau đó tuồn ra thị trường.


Mới đây, cơ quan chức năng TPHCM cũng bắt giữ Mai Thành Hoàng, 39 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú cùng Khưu Tuấn Cường, 47 tuổi, ngụ ở quận 6 làm thuốc giả. Công an đã bắt Hoàng trong lúc anh này chở theo một thùng thuốc trị đau nhức giả có tên Ibuparavic do Công ty Khacopharma sản xuất. Hoàng khai nhận mua tại chợ thuốc tây quận 10 không có chứng từ, đưa về nhà để bóc bỏ vỉ, sau đó giao cho Cường dập vỉ mác thuốc ngoại để bán. Khám xét nhà Cường, công an phát hiện nơi đây đang sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Pharmaton và thuốc nhãn hiệu Di-Ansel. “Số thuốc này sẽ được giao cho các đầu mối ở tỉnh bán ra các nhà thuốc”- Cường khai nhận.


Tháng 4 vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế nhận được báo cáo của công ty Les Laboratories Servier kèm theo kết quả điều tra, phân tích hóa học, đặc điểm nhận biết về thuốc giả mang tên Vastarel 20 mg có số đăng ký VN-16510-13; số lô sản xuất: 929852, vỉ 30 viên xuất hiện tràn lan tại Việt Nam. Theo công ty, thuốc điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực này trên nhãn ghi mạo danh nhà sản xuất là Công ty Les Laboratories Servier - Pháp. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an TPHCM bắt giữ một số đối tượng đang lưu hành mẫu thuốc này.

Cơ quan chức năng còn phát hiện một đường dây khác ở huyện Bình Chánh, TPHCM sản xuất 5 loại thuốc giả gồm: Neo-Codion, Fugacar, Alpha Chymotrypsine Choay, Laroscorbine, Neo-Tergynan. Các mẫu thuốc giả trên đều được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đem về đóng gói tại các địa điểm ở huyện Bình Chánh, quận 6 TPHCM. Theo công an, các đối tượng khai nhận, trung bình một vỉ thuốc tây làm giả sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ 2-3 nghìn đồng.


“Một loại tội ác”
 

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM cho rằng sản xuất, kinh doanh thuốc giả là tội ác. “Sản xuất, nhập khẩu thuốc kém chất lượng không đơn thuần là vi phạm hành chính mà đó thật sự là tội ác. Sức khỏe con người là quý nhất nhưng khi bệnh cần sử dụng thuốc lại uống phải thuốc kém chất lượng, như vậy còn gì là sức khỏe nữa”- bà nói.


Hàng chục năm nghiên cứu về lĩnh vực dược, từng đảm nhận phó giám đốc Sở Y tế TPHCM phụ trách lĩnh vực dược, bà Lan cho rằng, thuốc giả có ảnh hưởng tới sức khỏe tùy thuộc vào việc làm giả ở cấp độ nào. Có loại giả hoàn toàn, chỉ có bột mì không thôi, có loại hàm lượng không bảo đảm. Nói chung là không đảm bảo chất lượng điều trị.


Với những loại bệnh nhẹ, sẽ không khỏi bệnh, nhưng với bệnh nhân bệnh nặng sẽ rất nguy hiểm, vì như vậy là không chữa trị kịp thời. Chưa kể với kháng sinh, nếu là thuốc giả theo kiểu không đủ hàm lượng, thì giống như dùng “vũ khí” không đủ mạnh để đối phó với vi khuẩn, dẫn đến nhờn thuốc, không bảo đảm hiệu quả điều trị, có thể gây chết người.


TS Huỳnh Hiền Trung - Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115 cho biết, Prednisolon là thuốc kê đơn, một loại glucocorticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Thuốc Prednisolon thường được chỉ định để điều trị ung thư, bạch cầu cấp, u lympho, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cuối. Ngoài ra, nó có tác dụng chữa: viêm khớp dạng thấp, lupút ban đỏ toàn thân, một số thể viêm mạch; viêm động mạch thái dương và viêm quanh động mạch nút, bệnh sarcoid, hen phế quản, viêm loét đại tràng, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu hạt, và những bệnh dị ứng nặng gồm cả phản vệ.


“Ngay cả thuốc thật, Prednisolon cũng gây ra những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm thậm chí có thể gây tử vong nếu không dùng theo chỉ định của bác sỹ. Nếu dùng phải thuốc giả thì sự nguy hiểm rất khó lường”- TS Trung nói và nêu ví dụ: Với bệnh nhân hư cầu thận thì dùng lượng rất lớn hàng chục viên/ngày. Bây giờ chẳng may dùng phải thuốc giả, người bệnh sẽ tử vong vì thiếu thuốc, bởi uống thuốc giả thì có cũng như không.
 

PGS - TS Phạm Khánh Phong Lan:

 

Thị trường thuốc giả rất béo bở

 

Tuy thuốc giả rất nguy hiểm nhưng lại là thị trường rất béo bở nên nó vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Cho nên nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ thuốc giả phát hiện hàng năm mà mình thấy giảm dần, rồi cho rằng kiểm soát tốt thì cũng chưa chắc. Dù theo luật hình sự, hành vi làm thuốc giả có thể lên tới tội chung thân hoặc tử hình, nhưng từ trước tới giờ, nhiều vụ làm thuốc giả rất nghiêm trọng, đã tử hình được ai? Thực tế, thời gian qua thuốc giả rất nhiều, cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ cũng vô số nhưng thời gian và mức độ xử chưa tương xứng với hành vi tội ác mà những người kinh doanh, sản xuất thuốc giả gây ra.

Uống thuốc giả, người bệnh có được bồi thường?

 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh- Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, về trách nhiệm dân sự thì người mua thuốc có quyền yêu cầu cá nhân/tổ chức sản xuất/buôn bán thuốc phải chịu trách nhiệm trong việc bán hàng giả. Còn nếu việc sản xuất/buôn bán hàng giả gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.  Theo luật sư Chánh ngoài ra người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị  phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm theo khoản 3 Điều 157 BLHS 1999. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát