Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3
Danh mục các thuốc điều trị hen phế quản

Thăm dò chức năng thông khí phổi, đo chức năng hô hấp là gì?


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. 1. Khái niệm về thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp là gì?)
  2. 2. Chỉ định thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp) ở những bệnh nhân nào?
  3. 3. Chống chỉ định với thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp)
  4. 4. Chuẩn bị những gì trước khi thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp)
  5. 5. Các bước tiến hành khi thực hiện thăm dò chức năng thông khí phổi
  6. 6. Những lưu ý quan trọng khi thực hiện thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp)

Đo chức năng hô hấp, gọi chính xác theo ngôn ngữ chuyên khoa là “thăm dò chức năng thông khí phổi”. Thăm dò chức năng thông khí phổi là kỹ thuật đánh giá một phần chức năng của bộ máy hô hấp được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong các bệnh lý hô hấp (hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính...)

 

1. Khái niệm về thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp là gì?)

 

Quá trình hô hấp bình thường diễn ra qua những giai đoạn phức tạp gồm: thông khí, trao đổi khí qua màng phế nang mao mạch, vận chuyển khí trong máu và hô hấp tế bào. Hiện nay trên lâm sàng, chưa có phương pháp thăm dò nào có thể đánh giá tất cả các giai đoạn nêu trên. Trong chuyên khoa, các bác sĩ phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá đầy đủ chức năng của hệ hô hấp như: đo chức năng thông khí, khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch, khí máu động mạch, định lượng lactat…

 

Thăm dò chức năng thông khí phổi (thường bị gọi nhầm là đo chức năng hô hấp) là kỹ thuật thường được dùng trong chẩn đoán và theo dõi đánh giá mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý hô hấp. Kỹ thuật thăm dò này giúp ghi lại những thông số liên quan đến hoạt động của phổi, từ đó giúp đánh giá hai hội chứng rối loạn thông khí gồm: tắc nghẽn thông khí và hạn chế thông khí.

 

 

Đo chức năng hô hấp là cách gọi quen thuộc, về thuật ngữ

chuyên môn cần dùng chính xác là thăm dò chức năng thông khí phổi (Ảnh minh họa)

 

Thăm dò chức năng phổi khí phổi (Đo chức năng hô hấp) cho biết thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản, phổi, và cho phép đánh giá mức độ tắc nghẽn phế quản và mức độ trầm trọng nếu có tình trạng giãn phế nang.

 

Kết quả đo thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp) được thể hiện bằng số cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường.

 

Các trị số đo được của thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp) sau đó được biểu diễn dưới dạng một đường cong trong đó một trục thể hiện các chỉ số về lưu lượng khí lưu thông, còn trục còn lại thể hiện các chỉ số của các thể tích khí có trong phổi. Đường cong này còn được gọi là đường cong lưu lượng thể tích.

 

Thăm dò chức năng thông khí phổi (Đo chức năng hô hấp) là thăm dò khá đơn giản và không gây đau cho bệnh nhân, ít gây khó chịu, tai biến.

 

Độ chính xác của kết quả thăm dò chức năng thông khí phổi phụ thuộc vào sự hợp tác của bệnh nhân.

 

2. Chỉ định thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp) ở những bệnh nhân nào?

 

Các bác sĩ khi chẩn đoán các bệnh lý hô hấp ở người bệnh, nếu có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm khác bất thường thì sẽ chỉ định người bệnh làm thăm dò chức năng thông khí phổi.

 

- Chỉ định thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp) khi có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm khác bất thường.

 

Triệu chứng lâm sàng khi thăm khám cho người bệnh thường bao gồm: khó thở, khò khè, ngồi thở, thở ra khó khăn, ho đờm kéo dài, ho khan kéo dài, dị dạng lồng ngực.

 

Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thực thiện sau khi chẩn đoán lâm sàng: giảm Oxy máu, tăng CO2 máu, đa hồng cầu, X-quang lồng ngực bất thường.

 

- Theo dõi, lượng giá, đáp ứng điều trị, diễn tiến bệnh như  hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi hạn chế.

- Tầm soát bệnh trên đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc, người làm việc nơi có khói và hóa chất độc hại....

- Đánh giá nguy cơ trước phẫu thuật, thủ thuật

- Đánh giá chức năng phổi trước khi tập luyện gắng sức, tập phục hồi chức năng

- Đánh giá mức độ thương tật

 

3. Chống chỉ định với thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp)

 

Các trường hợp sau không nên thực hiện thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp):

- Tràn khí màng phổi

- Tình trạng tim mạch không ổn định: Nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim, nhồi máu phổi, tụt huyết áp, suy tim mất bù…

- Tổn thương phổi có nguy cơ biến chứng khi làm hô hấp ký: Kén khí lón của phổi, ho ra máu nhiều, áp xe phổi…

- Mới phẫu thuật ngực, bụng trong vòng 4 tuần

- Nhiễm trùng/phẫu thuật vùng mũi xoang, tai giữa trong vòng 1 tuần

- Chấn thương vùng hàm mặt, lồng ngực

- Nghi ngờ các bệnh lý truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp

- Tăng áp lực nội sọ/nội nhãn do: u não, phẫu thuật não trong vòng 4 tuần, phẫu thuật mắt trong vòng 1 tuần

- Mang thai những tháng cuối

- Bệnh nhân không hợp tác: rối loạn tâm thần, giảm thính lực…

 

4. Chuẩn bị những gì trước khi thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp)

 

Trước khi thực hiện thăm dò chức năng thông khí phổi, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Mặc quần áo rộng rãi

- Không  hút  thuốc 1 giờ trước khi đo

- Không uống rượu 4 giờ trước khi đo

- Không  vận  động  nặng 30 phút trước khi đo

- Không ăn no trong vòng 2 giờ trước khi đo 

 

5. Các bước tiến hành khi thực hiện thăm dò chức năng thông khí phổi

 

Trước khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được đo chiều cao, cân nặng.

 

Khi tiến hành thăm dò chức năng thông khí phổi cần thực hiện 2 động tác chính:

- Động tác 1: hít vào thở ra bình thường, sau đó được yêu cầu hít vào sâu thật hết sức, rồi thở ra thật hết sức.

- Động tác 2: hít vào thở ra bình thường, rồi sau đó được yêu cầu hít vào thật hết sức và thổi ra thật nhanh, thật mạnh, hết sức có thể, và tiếp tục thở ra cho đến khi ít nhất 6 giây.

 

6. Những lưu ý quan trọng khi thực hiện thăm dò chức năng thông khí phổi (đo chức năng hô hấp)

 

- Trong khi thực hiện các động tác theo hướng dẫn của bác sĩ cần phải làm liên tục, không được dừng. Việc dừng đột ngột, hoặc thực hiện không chính xác những gì mà kỹ thuật viên đo chức năng hô hấp yêu cầu sẽ gây sai lệch kết quả dẫn đến nhận định sai kết quả thực mà chức năng thông  khí phổi của người bệnh hiện có, từ đó có thể dẫn đến chẩn đoán và điều trị không phù hợp.

- Nếu phát hiện bất thường trên kết quả ban đầu, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số kỹ thuật như: test hồi phục phế quản hoặc đo dung tích toàn phổi…

- Nếu bệnh nhân hút thuốc lá nhưng khi đo chức năng thông khí phổi cho kết quả bình thường cũng không có nghĩa là người bệnh không có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của người bệnh tiến triển thì FEV1 (thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên) sẽ giảm dần. Khi FEV1 đo được dưới 40% trị số bình thường thì phổi của bệnh nhân không còn khả năng duy trì chức năng bình thường và lượng oxy trong máu sẽ giảm sút. Thiếu oxy sẽ được phát hiện và đánh giá bằng một xét nghiệm gọi là khí máu.

 

 Để được đánh giá về tình trạng bệnh và được theo dõi điều trị, liên hệ 1800 5454 35.

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát