Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3
Xử trí cơn hen & Kiểm soát bệnh hen

Những điều cần biết về bệnh Hen phế quản ở trẻ em


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Nguyên nhân sinh hen phế quản ở trẻ
  2. Làm gì khi trẻ mắc hen phế quản
  3. Để đề phòng bệnh suyễn cho con các bậc phụ huynh cần làm gì?
  4. Làm gì khi trẻ lên cơn hen cấp tính

Bệnh hen phế quản (hay còn gọi là bệnh hen suyễn) là một bệnh mạn tính đường hô hấp thường gặp. Chẩn đoán bệnh hen phế quản khi có các dấu hiệu: thở khò khè, khó thở, nặng ngực, ho tái đi tái lại (đặc biệt ho nhiều hơn vào ban đêm). Ở trẻ em, có thể nghe thấy tiếng rít khi trẻ thở ra. Các triệu chứng hen ở trẻ thường không điển hình nên gặp khó khăn trong chẩn đoán. 

 

Nguyên nhân sinh hen phế quản ở trẻ

 

Các yếu tố nguy cơ của bệnh hen suyễn, là các yếu tố làm cho cơn hen dễ xảy ra hơn, bao gồm: các dị nguyên mà người bệnh tiếp xúc (mạt bụi nhà, lông các con vật nuôi, phấn hoa, khói thuốc lá, các loại hóa chất…), nhiễm trùng, nhiễm siêu vi đường hô hấp, không khí ô nhiễm, thay đổi nhiệt độ, chế độ ăn, các loại thuốc, các cảm xúc quá mạnh, gắng sức…

 

bệnh hen phế quản ở trẻ em

 

Ho là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc hen suyễn


Trẻ em có khi chỉ có biểu hiện ho kéo dài hoặc thở khò khè mỗi khi nhiễm trùng hô hấp cho nên thường bị bỏ sót chẩn đoán, chỉ được chẩn đoán là viêm tiểu phế quản, hoặc viêm phế quản dạng hen... đưa đến điều trị chưa đúng mức (chỉ dùng kháng sinh và thuốc giảm ho vốn là những thuốc không có chỉ định trong điều trị hen).

Đo chức năng phổi là phương tiện hữu dụng trong chẩn đoán và theo dõi tiến triển bệnh hen. Các nghiệm pháp thường được sử dụng là phế dung ký (đo bằng máy, thường để trong các phòng khám hoặc phòng thăm dò chức năng) và lưu lượng đỉnh (đo bằng một dụng cụ gọn nhẹ có thể thực hiện tại nhà).

 

Các nghiệm pháp này nhằm đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở, theo dõi kết quả điều trị, phát hiện sớm những dấu hiệu tiến triển xấu của bệnh hen.

 

Làm gì khi trẻ mắc hen phế quản

 

Bạn là bệnh nhân hoặc bố mẹ của bệnh nhi hen cần:

 

- Hiểu được kế hoạch hành động về hen. Bất cứ một nghi ngờ thắc mắc gì thì đặt ra với bác sĩ của bạn.

- Dùng thuốc đều đặn như toa thuốc đã hướng dẫn. Với bố mẹ bệnh nhi hen phải theo dõi sát sao việc sử dụng thuốc: đúng thuốc, đúng liều.

- Loại bỏ các yếu tố gây hen, nhất là khói thuốc lá do nghiện ngập hay hút thuốc thụ động.

- Định kỳ đến khám Bác sĩ để đánh giá lại hen, có thể tham gia Câu lạc bộ người hen, các phòng quản lý bệnh nhân hen để được hướng dẫn, chăm sóc và nâng cao các kiến thức về hen. Tốt nhất là nên đến khám định kỳ, thầy thuốc vẫn chăm sóc bạn, đã biết rõ độ nặng nhẹ của bệnh, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, môi trường sống của bạn.

- Bạn có thể đến thăm, khám bệnh sớm hơn dự định nếu bạn có triệu chứng không đáp ứng với sự tăng liều thuốc như kế hoạch hành động hen của bạn đã chỉ dẫn.

- Bạn có thể có lời khuyên đúng đắn về hen từ bác sĩ chuyên khoa của bạn chứ không phải từ bạn bè, thân thuộc hay hàng xóm. Hen của mỗi người khác nhau. Lời khuyên thích hợp với người này không nhất thiết có ích cho người khác.

 

Để đề phòng bệnh suyễn cho con các bậc phụ huynh cần làm gì?

 

- Trong lúc có thai mẹ không được hút thuốc.

- Nên cho con bú mẹ

- Điều quan trọng nhất là bảo vệ cháu bé tránh được các tác nhân kích thích đường hô hấp (chiếu lại các tác nhân).


Trong số đó đặc biệt chú ý đến khói thuốc và con mạt nhà. Con mạt nhà sống trong nệm, gối, giường ghế nên nệm gối của các cháu cần được bọc bằng loại vải không cho không khí vào và kéo bằng dây kéo.

 

Dẹp các gối, nệm, ghế, màn cửa không cần thiết trong phòng.

 

Giường ngủ nên lót một tấm lót đơn giản, giặt nước nóng và phơi nắng hàng tuần.

 

Phòng ngủ nên được chùi bằng khăn ấm hay máy hút bụi, không dùng chổi. Không nuôi chó, mèo.

 

Làm gì khi trẻ lên cơn hen cấp tính


Cơn hen nặng hay nhẹ tùy ở mỗi người, mỗi lúc. Một đứa trẻ lên cơn hen ngồi trên giường, mặt tím tái, đẫm mồ hôi, cố gắng hít thở khó khăn với những tiếng rít đặc trưng của bệnh.

 

Cần an ủi cháu khi bác sĩ chưa tới và không được dùng thuốc gì nếu không được bác sĩ chỉ định từ trước.


Các thuốc chữa hen có tác dụng chủ yếu làm giãn phế quản để cho cơn hen dịu đi. Nếu cơn hen vẫn tiếp diễn, thì cần phải cho cháu vào bệnh viện.


Bệnh hen là một bệnh phải chữa trị lâu dài. Các cơn hen không giống nhau có thể một năm xảy ra đôi lần, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần trong một tháng, ảnh hưởng tới việc học hành và cuộc sống lâu dài của trẻ. Bởi vậy phải chữa trị tới cùng.

Tâm lý bi quan của trẻ bị bệnh cũng như sự lo âu của các người thân có ảnh hưởng xấu tới tinh thần và làm bệnh thêm trầm trọng Bởi vậy, việc động viên, khuyến khích an ủi người bệnh là những việc làm có tính chất tâm lý, nhưng lại rất cần thiết.

 

Ds. Tào Văn Chiến

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát