Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3
Tư vấn điều trị

Ho, đờm, khò khè, khó thở: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Ho, đờm, khò khè, khó thở là bệnh gì?
  2.    - Bệnh lý viêm phế quản
  3.    - Hen phế quản (hen suyễn)
  4.    - Ung thư phế quản có thể gây ra triệu chứng ho, đờm, khó thở ở người bệnh
  5.    - Viêm phổi
  6.    - Tràn dịch màng phổi
  7.    - Thuyên tắc phổi
  8.    - U phổi, ung thư phổi
  9.    - Suy tim hay các bệnh lý tim mạch có thể gây ra tình trạng khó thở
  10. Theo dõi triệu chứng ho, đờm, khó thở để thăm khám khi cần thiết
  11. Đề phòng ho, khó thở do COVID-19

Ho, đờm, khò khè, khó thở là những triệu chứng hô hấp tương đối phổ biến và có thể là triệu chứng cảnh báo của nhiều bệnh lý hô hấp khác nhau. Nhưng vì phổ biến và nhiều trường hợp có mức độ, tần suất không quá nghiêm trọng nên đa phần người bệnh thường chủ quan, bỏ qua hoặc trì hoãn không thăm khám và điều trị.

 

Điều đáng nói là các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nên nếu được chẩn đoán chậm có thể khiến nhiều người bỏ qua "giai đoạn vàng" trong điều trị, bệnh trở nặng và thuốc lúc này kém đáp ứng.

 

Ho, đờm, khò khè, khó thở là bệnh gì?

 

Một số bệnh lý hô hấp có thể gây ra các triệu chứng ho, đờm, khò khè, khó thở như:

 

- Bệnh lý viêm phế quản

 

Bệnh viêm phế quản có thể xảy ra với mọi độ tuổi nhưng thường nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi, dễ mắc khi thời tiết thay đổi. Viêm phế quản có sự xâm nhập của tác nhân có hại vào đường thở nên khiến cho ống phế quản bị sưng, viêm, gây ra các triệu chứng ho có đờm, khó thở, tức ngực, thở khò khè, sổ mũi,...ở người bệnh.

 

- Hen phế quản (hen suyễn)

 

Bệnh hen phế quản là bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm phế quản mạn tính, tăng đáp ứng và co thắt phế quản khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Khi các đợt cấp của hen phế quản (hen suyễn) diễn ra thì đường dẫn khí của người bệnh sẽ bị thu hẹp, cơ trơn đường hô hấp bị thắt chặt, dịch nhầy sinh ra làm lòng phế quản vốn đã hẹp do viêm và co thắt nay lại càng hẹp hơn. Hệ lụy sinh ra từ đó là quá trình lưu thông không khí ra vào phổi gặp nhiều khó khăn, người bệnh bị ho, tức ngực, khó thở. Trẻ mắc hen phế quản có thể chỉ có triệu chứng duy nhất là ho, nhiều trẻ thường khò khè kéo dài, dễ bị dị ứng với thời tiết, các loại thực phẩm như tôm, cua,...

 

 

 

Phế quản tăng tiết nhầy gây ra triệu chứng ho, đờm (Ảnh minh họa)

 

- Ung thư phế quản có thể gây ra triệu chứng ho, đờm, khó thở ở người bệnh

 

Ung thư phế quản có triệu chứng điển hình là ho, đau ngực kèm theo dấu hiệu đặc trưng là sụt cân nhanh. Nếu bệnh trở nặng thậm chí người bệnh có thể bị ho ra máu. Nhiều trường hợp phát hiện ung thư phế quản thì đã ở giai đoạn nguy hiểm do tâm lý chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể. Không như các bệnh lý hô hấp mạn tính khác, cơ hội phục hồi của bệnh nhân ung thư phế quản là rất ít.

 

- Viêm phổi

 

Viêm phổi đặc trưng bởi nhu mô phổi bị nhiễm khuẩn. Các tác nhân chính có thể gây ra viêm phổi là các loại virus, vi khuẩn, nấm, một số hóa chất độc hại, ngoài ra bệnh còn là biến chứng do một vài bệnh gây nên. Khi bị viêm phổi, có thể nhu mô phổi sẽ bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ phổi của bệnh nhân đều bị tổn thương. Viêm phổi làm quá trình trao đổi khí bị ảnh hưởng nên gây ra các triệu chứng hô hấp điển hình như ho, tức ngực, khó thở. Ở giai đoạn nặng của bệnh, người mắc viêm phổi có thể bị sốt cao 39 - 40 độ, khó thở, nhịp thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tức ngực.

 

- Tràn dịch màng phổi

 

Phổi luôn tồn tại một lượng nhỏ chất lỏng để bôi trơn màng phổi và giúp cho các hoạt động của phổi trở nên dễ dàng hơn. Và nếu lượng chất lỏng này vượt mức bình thường thì sẽ gây ra tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi được nhận biết bởi các triệu chứng khó thở, tức ngực và ho.

 

Những triệu chứng hô hấp này dễ đến khi thay đổi tư thế và có chiều hướng tăng cơn đau khi người bệnh hít thở sâu. Nếu bước sang giai đoạn nặng của bệnh, cơn khó thở, tức ngực sẽ ngày càng trầm trọng, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng khi không được xử trí kịp thời.

 

- Thuyên tắc phổi

 

Thuyên tắc phổi là tình trạng xảy ra khi có cục máu đông gây bít tắc động mạch ở phổi. Và cục máu đông này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hô hấp như ngứa cổ, ho, tức ngực, khó thở, sốt cao, tăng nhịp tim,... Các triệu chứng hô hấp ở bệnh nhân thuyên tắc phổi thường xuất hiện đột ngột và thậm chí còn có thể khiến bệnh nhân hôn mê.

 

- U phổi, ung thư phổi

 

Nếu có u trong phổi thì cũng rất dễ bị ho khan, tức ngực và khó thở vì khối u làm tắc nghẽn đường dẫn khí, kích thích đường hô hấp. Trường hợp nặng người bệnh còn bị giảm cân đột ngột mà không rõ nguyên nhân, ho khạc ra máu.

 

- Suy tim hay các bệnh lý tim mạch có thể gây ra tình trạng khó thở

 

Đối với hoạt động bơm máu, đưa oxy đến phổi và những cơ quan trong cơ thể, tim đóng vai trò vô cùng quan trọng. Suy tim hoặc các bệnh lý tim mạch có thể khiến cho tim hoạt động bất thường, xuất hiện tình trạng chất lỏng tích lũy từ máu ở phổi làm cho oxy trong phổi bị suy giảm. Kết quả là người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như tức ngực, ho khan, khó thở. Bệnh lý này nếu không được điều trị nhanh chóng sẽ có thể biến chứng phù phổi cấp, không chỉ nguy hiểm bởi bệnh lý tim mạch mà người bệnh có thể gặp phải biến chứng ở phổi dễ gây tử vong.

 

Theo dõi triệu chứng ho, đờm, khó thở để thăm khám khi cần thiết

 

Nếu chỉ gặp một trong các triệu chứng ho, khò khè, khó thở thì người bệnh có thể theo dõi thêm và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, luyện tập hàng ngày để giúp cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu gặp đồng thời các triệu chứng này thì phải hết sức cẩn thận trước những bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra nó như đã nói đến ở trên.

 

Lúc này, việc cần được ưu tiên hàng đầu đó là người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng, đánh giá mức độ tổn thương để có phác đồ điều trị phù hợp nhất tùy theo bệnh lý.

 

Ngoài ra, người bị ho, đờm, khò khè, khó thở cũng cần lưu ý:

- Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi điều độ; không nên làm việc quá sức.

- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học; tránh xa thực phẩm cay nóng vì chúng dễ kích thích đường hô hấp, làm trầm trọng hơn các triệu chứng ho, khò khè đang gặp phải.

- Không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, không dùng chất kích thích.

- Uống đủ nước mỗi ngày.

- Chọn bài tập thể dục nhẹ nhàng, không quá sức để tăng cường sức khỏe.

- Giữ tinh thần ổn định và thoải mái, tránh thức khuya hay căng thẳng.

- Tăng cường bổ sung dưỡng chất cho cơ thể với các thực phẩm giàu Vitamin C, sắt, khoáng chất như cam, mật ong,… nâng cao hệ miễn dịch.

 

Đề phòng ho, khó thở do COVID-19

 

Sự xuất hiện của biến chủng Delta trong tình dịch bệnh đang trở nên phố biến trong cộng đồng hiện nay đã khiến cho nhiều người hoang mang. Câu hỏi thường gặp là các triệu chứng của covid-19 là gì? Biến thể delta gây ra các triệu chứng giống và khác các chủng virus SAR-Cov-2 ra sao? Ho, khó thở có phải đã mắc COVID-19 hay không?

 

Theo các chuyên gia hô hấp, so với chủng virus COVID-19 được phát hiện ở Trung quốc, biến thể Delta cũng có những triệu chứng bệnh tương tự. Nhưng chủng loại này được nhấn mạnh bởi vì khoảng 80% bệnh nhân mắc biến chủng không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện nhẹ, khó phát hiện mầm bệnh. Vì vậy, bạn nên ghi nhớ những dấu hiệu khả nghi như sau (được sắp xếp theo các dấu hiệu thường gặp, từ trên xuống dưới):

- Sốt nhẹ.

- Đau đầu.

- Đau họng.

- Sổ mũi.

- Ho khan.

- Mệt mỏi.

 

Một số triệu chứng khác:

- Hệ hô hấp: nghẹt mũi, khó thở, tiết nhiều đờm dãi.

- Hệ tiêu hóa: buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, ớn lạnh.

- Da, niêm mạc: viêm kết mạc mắt, xuất hiện phát ban hoặc ở ngón tay/chân hoặc màu da thay đổi bất thường.

- Hệ thần kinh: chóng mặt, đau mỏi cơ,…

Dấu hiệu nghiêm trọng: nhịp thở nhanh, khó thở; có cảm giác nặng ngực hoặc đau ngực dai dẳng; mất tiếng; giảm vị giác, ăn không ngon miệng; thân nhiệt cao; sắc mặt và môi nhợt nhạt.

Biến chứng: Tổn thương phổi, suy hô hấp, đột quỵ, viêm não, hôn mê,…

 

Tóm lại, để đề phòng những nguy cơ xấu có thể xảy ra cho bản thân và gia đình, hãy chăm sóc sức khỏe mỗi ngày. Khi có các triệu chứng hô hấp như ho, khò khè, khó thở nặng ngực, hãy theo dõi cẩn thận và thông báo tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế. Cơ quan y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể và chi tiết về việc tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.

 

Nếu bệnh tình chuyển biến nặng, gọi ngay đến hotline của cơ quan y tế địa phương hay của Bộ Y tế (số điện thoại 19003228 hoặc 19009095). Lúc này, có thể bạn sẽ được hỗ trợ đưa đến bệnh viện gần nhất để thăm khám và điều trị. 

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát