Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Hầu hết các dự báo đều cho thấy, trong tương lai không xa, tỷ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tiếp tục gia tăng và sẽ đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân tử vong.
Phổi tắc nghẽn mạn tính – Căn bệnh không thể chủ quan
Dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, số ca mắc bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính ước tính khoảng 385 triệu, tỷ lệ mắc trên thế giới là 11,7 % và khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm. Tại Việt Nam, nghiên cứu về dịch tễ học của bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính năm 2009 cho thấy tỷ lệ mắc ở người trên 40 tuổi là 4,2%. Với sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển và sự già hóa dân số ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ mắc bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính được dự đoán sẽ tăng cao trong những năm tới và đến năm 2030 ước tính có khoảng trên 4,5 triệu trường hợp tử vong do bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính và các rối loạn liên quan.
Theo các chuyên gia hô hấp, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính thông thường là bệnh nhân nam giới có độ tuổi trên 40 và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra cũng có một số ít những bệnh nhân nữ là những trường hợp hút thuốc thụ động, tức là hít khói thuốc từ những người khác, từ đồng nghiệp trong cơ quan hay người thân trong gia đình.
Bên cạnh đó, những yếu tố như ô nhiễm môi trường, khói bụi nghề nghiệp, hít phải khói từ bếp rơm, rạ cũng là yếu tố nguy cơ làm khởi phát và tiến triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang. Nguyên nhân gây bệnh thường do phơi nhiễm với các phân tử khí độc hại.
Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu người bệnh có thể chỉ có ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm hoặc trong 2 năm liên tiếp), ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm ở người bệnh mắc COPD.
Khó thở ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, khó thở, nặng ngực, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi hoặc thở hổn hển, thở khò khè. Khó thở nặng lên khi gắng sức hoặc nhiễm trùng đường hô hấp.
Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian.
Tổn thương phổi ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính là tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi hoàn toàn dù có điều trị (Ảnh minh họa)
Khi đi khám tại cơ sở y tế, người bệnh cần làm những gì để chẩn đoán bệnh?
Khi thăm khám tại các chuyên khoa hô hấp, ngoài các dấu hiệu lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh thì bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số kỹ thuật thăm khám cận lâm sàng để xác định chính xác bệnh.
Ở giai đoạn sớm, khám phổi có thể bình thường nên bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh đo chức năng thông khí phổi ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ và có triệu chứng cơ năng gợi ý. Nếu bệnh nhân có khí phế thũng có thể thấy lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm.
Giai đoạn nặng hơn khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể có ran rít, ran ngáy, ran ẩm, ran nổ.
Giai đoạn muộn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, biểu hiện của suy tim phải (tĩnh mạch cổ nổi, phù hai chân, gan to, phản hồi giãn tính mạch cổ dương tính).
Ngoài đo chức năng thông khí phổi, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm x – quang phổi, điện tim để loại trừ các nguyên nhân khác.
Cách chữa bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính (Ảnh minh họa)
Cách chữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý của đường hô hấp, tiến triển dai dẳng và kéo dài. Các đợt cấp tái phát thường xuyên có thể dẫn đến suy hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong.
Không chỉ gây các biến chứng cấp tính, về lâu dài, phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra biến chứng tại phổi như tràn khí màng phổi hay các biến chứng về tim mạch như bệnh nhân suy tim và lâu dần từ suy tim phải, sẽ dẫn đến suy tim toàn bộ.
Bản thân người mắc bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính cần xác định rõ một vấn đề rất quan trọng: Chức năng phổi của người bệnh sẽ giảm dần theo thời gian dù có điều trị, bằng bất cứ loại thuốc nào đi nữa.
Dù không thể đảm bảo cho chức năng phổi được trở về như cũ, nhưng người bệnh vẫn cần điều trị ngay thời điểm này bởi nếu không, chức năng phổi mất đi nhanh hơn, người bệnh gặp nhiều biến chứng hơn và việc lạm dụng các thuốc cắt cơn giúp giảm khó thở tạm thời có thể để lại rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Vậy chữa bệnh phổi mạn tính như thế nào?
Có 3 việc cần quan tâm khi điều trị bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm: ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ; cai nghiện thuốc lá, thuốc lào; tiêm phòng vắc xin nhiễm trùng đường hô hấp; phục hồi chức năng hô hấp và các biện pháp nâng cao sức khỏe cá nhân khác.
- Điều trị các đợt cấp
- Điều trị dự phòng kéo dài.
Khi điều trị, sai lầm mà bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay gặp phải là bệnh nhân chưa hiểu được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh mạn tính sẽ kéo dài và dai dẳng, người bệnh sẽ phải dùng thuốc thường xuyên và phải đi khám lại hàng tháng. Thực tế hiện nay, một số bệnh nhân khi đã được điều trị thuốc và đã thấy đỡ khó thở rồi thì lại dừng thuốc và không đi khám nữa, như vậy sẽ tạo điều kiện hình thành nên những đợt cấp rất nặng, phải nhập viện trong tình trạng gần như ngưng thở. Đặc biệt không phải người bệnh nào cũng hiểu rõ vai trò của điều trị dự phòng, thường chỉ dùng thuốc khi lên cơn khó thở mà không dùng thuốc dự phòng để duy trì chức năng đường thở khiến cho tình trạng tổn thương của phổi ngày càng thêm trầm trọng, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh.
Sai lầm thứ hai hay mắc phải là sai lầm về kỹ thuật sử dụng những dụng cụ phun hít của bệnh nhân, nhiều bệnh nhân có thể không biết cách sử dụng hoặc sử dụng sai kỹ thuật, dẫn đến việc phân phối thuốc vào phổi chưa được tốt, giảm hiệu quả của thuốc. Thông thường khi tái khám định kỳ hàng tháng, các bác sĩ sẽ kiểm tra lại kỹ thuật sử dụng dụng cụ phun hít của bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân sử dụng đúng liều lượng, đúng cách để đạt được kết quả tốt nhất.
Và sai lầm quan trọng nhất, thường gặp nhất, phổ biến nhất ở bệnh nhân chính là chủ quan với sức khỏe của chính mình. Khi được bác sĩ đưa ra lời khuyên ngưng hút thuốc lá, thuốc lào thì người bệnh có thể chỉ “vâng, dạ” cho có, những khi về nhà, có thuốc cắt cơn khó thở trong tay, người bệnh quên ngay yêu cầu của bác sĩ, vẫn tiếp tục hút thuốc.
Bác sĩ có thể tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh nhưng tình trạng bệnh tiến triển ra sao lại phụ thuộc vào chính nhận thức của người bệnh.
Chưa bàn đến bệnh tật xuất hiện thì sức khỏe vốn dĩ cũng mất đi theo thời gian, tuổi tác, đừng để vì chủ quan mà khiến cho thời gian dành cho gia đình và người thân bị rút ngắn một cách uổng phí.
Tổng đài bác sĩ tư vấn và theo dõi điều trị bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính COPD 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn