Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID)


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Aspirin là thuốc gì?
  2. Đối tượng sử dụng của Aspirin
  3. Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng aspirin
  4. Các dạng bào chế của Aspirin
  5. Chỉ định và liều lượng Aspirin
  6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc aspirin
  7. Tác động của aspirin lên bệnh hen thế nào?
  8. Lời khuyên của thầy thuốc

Theo hướng dẫn của Tổ chức hen toàn cầu GINA và Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản của Bộ Y tế, bệnh nhân hen phế quản cần thận trọng với thuốc aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID). Aspirin là thuốc gì? Có tác dụng gì? Đối tượng nào nên dùng Aspirin?

 

Tại sao Aspirin cần được các bác sĩ chỉ định và theo dõi trong quá trình điều trị ở bệnh nhân hen phế quản? Cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết sau.

 

Aspirin là thuốc gì?

 

Aspirin (acetylsalicylic acid (ASA)), (acetosal) là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid; tác dụng chính là giảm đau, hạ sốt, chống viêm; ngoài ra Aspirin còn được chỉ định điều trị trong các trường hợp chống kết tập tiểu cầu, khi dùng liều thấp kéo dài có thể phòng ngừa đau tim và hình thành cục nghẽn trong mạch máu (ngăn ngừa hình thành huyết khối).

 

 

Đối tượng sử dụng của Aspirin

 

Như đã nói, Aspirin có tác dụng hạ sốt và giảm đau, có tác dụng với các cơn đau từ nhẹ đến đau vừa như đau cơ, đau răng, cảm lạnh thông thường, và nhức đầu. Aspirin cũng có thể được sử dụng để giảm đau và sưng do viêm khớp, các chứng viêm cấp và mạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp...

 

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định Aspirin để ngăn ngừa cục máu đông, từ đó sẽ giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim. Ở những người đã từng phẫu thuật tắc động mạch (như phẫu thuật đặt tim nhân tạo, cắt bỏ áo trong động mạch cảnh, đặt stent động mạch vành), bác sĩ có thể chỉ định aspirin để ngăn ngừa sự hình thành các khối máu đông (ngăn ngừa hình thành huyết khối).

 

Do có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu và giãn mạch nên Aspirin được sử dụng để điều trị dự phòng một số bệnh tim mạch, tai biến khi mang thai, ung thư.

 

Với hiệu quả mang lại đối với nhiều đối tượng bệnh nhân,  aspirin được sử dụng rộng rãi ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên phải tuân theo chỉ định, chống chỉ định và theo dõi của bác sĩ và phải được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị.

 

Tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng aspirin

 

Aspirin có thể gây ức chế co bóp tử cung gây trì hoãn chuyến dạ, ức chế Cyclooxygenase và sự sản sinh Prostaglandin có thể dẫn đến đóng sớm ống động mạch của thai nhi, có nguy cơ gây tăng huyết áp động mạch phổi và suy hô hấp sơ sinh, nguy cơ chảy máu tăng ở cả mẹ và thai nhi do đó không được chỉ định cho phụ nữ mang thai trong ba tháng cuối.

 

Aspirin có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu nhưng có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm là chảy máu não, chảy máu tiêu hóa ngay cả khi dùng với liều thấp.

 

Aspirin có thể gây xuất huyết dạ dày thể ẩn, hoặc thể nặng.

 

Nhiễm độc trên 10g aspirin kích thích trung khu hô hấp là thở nhanh và sâu, gây nhiễm alcali hô hấp, sau đó vì áp lực riêng phần của CO2 giảm, mô giải phóng nhiều acid lactic, đưa đến hậu quả nhiễm acid do chuyển hóa (hay gặp ở trẻ em vì cơ chế điều hòa chưa ổn định).

 

Các dạng bào chế của Aspirin

 

Những dạng và định lượng aspirin phổ biến trên thị trường bao gồm:

- Aspirin viên caplet, thuốc uống: 325 mg, 500 mg.

- Aspirin viên caplet, tan trong ruột, thuốc uống: 325 mg.

- Aspirin kẹo cao su, dạng nhai: 325 mg.

- Aspirin viên đặt trực tràng, thuốc đạn: 300 mg, 600 mg.

- Aspirin viên nén, thuốc uống: 325 mg.

- Aspirin viên nén, thuốc nhai: 81 mg.

- Aspirin viên nén, tan trong ruột: 81 mg, 325 mg, 650 mg.

 

Chỉ định và liều lượng Aspirin

 

Tác dụng giảm đau đối với các chứng đau nhẹ và vừa, hạ sốt: liều dùng 1-3g/24h, chia làm 4-6 lần uống lúc no. Trẻ em 6-15 tuổi ngày 0,3-0,9g chia 3-6 lần. Trẻ em <6 tuổi 25-30mg/24h chia 3-6 lần.

 

Tác dụng chống viêm: liều cao từ 4-5 g/24h. Trẻ em: 80-100mg/kg/24h chia 3-4 lần. Được chỉ định cho hầu hết các chứng viêm khớp và viêm ngoại vi khác.

 

Phòng và điều trị huyết khối do kết tập tiểu cầu: dùng liều thấp, ngày uống 3 lần, mỗi lần 0,5g. Được chỉ định trong các bệnh lý có rối loạn huyết động như: bệnh lý van tim, bệnh mạch vành, bệnh giãn tĩnh mạch ngoại vi…

 

Điều trị Goutte cấp (tăng thải trừ acid uric): liều cao 4-5g/24h. (Liều thấp có tác dụng ngược lại).

 

Liều dùng và chỉ định Aspirin tuyệt đối phải tuân thủ theo hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ.

 

Những lưu ý khi sử dụng thuốc aspirin

 

Người bệnh cần uống thuốc aspirin với một ly nước đầy (khoảng 250 ml), không nằm trong ít nhất 10 phút sau khi bạn uống thuốc. Nên uống sau khi ăn, không uống lúc đói.

 

Nếu thuốc aspirin bào chế dạng viên nén, cần nuốt toàn bộ viên bao (viên nén bao tan trong ruột). Không được nghiền hoặc nhai viên thuốc vì điều này có thể gây các tác dụng phụ đối với dạ dày.

 

Không nghiền hoặc nhai viên nén hoặc viên nang phóng thích kéo dài, vì điều này có thể khiến thuốc aspirin tác dụng ngay lập tức, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Ngoài ra, không chia aspirin dạng viên nén phóng thích kéo dài, trừ khi trên viên thuốc có một đường rãnh và bác sĩ hoặc dược sĩ yêu cầu bạn làm như vậy. Cần nuốt toàn bộ hoặc chia viên thuốc, không làm vỡ hoặc nhai viên thuốc.

 

Nếu người bệnh đang uống thuốc aspirin pH8 để tự điều trị đau đầu, gọi cấp cứu ngay lập tức nếu người bệnh bị nói lắp, yếu ở một bên của cơ thể hoặc thay đổi thị lực đột ngột. Trước khi sử dụng thuốc aspirin, tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn bị đau đầu do chấn thương vùng đầu, ho, cúi người hoặc nếu bạn bị đau đầu dai dẳng đi kèm với nôn mửa, sốt và cứng cổ.

 

Nếu bạn chỉ uống thuốc aspirin khi cần (không uống theo lịch), thì cần lưu ý rằng thuốc giảm đau chỉ tác dụng tốt nhất nếu bạn uống ngay khi vừa xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của cơn đau. Nếu uống thuốc aspirin khi cơn đau đã trở nên tồi tệ, thuốc có thể sẽ không hiệu quả. Aspirin với một lớp phủ đặc biệt (tan trong ruột) hoặc viên phóng thích chậm có thể mất nhiều thời gian hơn để giảm đau vì thuốc được hấp thụ chậm hơn so với các dạng khác.

 

Tuyệt đối không nên dùng aspirin hơn 10 ngày để tự điều trị cơn đau kéo dài hoặc hơn 3 ngày cho cơn sốt.

 

Ngừng sử dụng thuốc và gọi cho bác sĩ/ cấp cứu ngay nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng như:

 

- Phân màu đen, có máu hoặc phân hắc ín

- Ho ra máu hoặc chất nôn giống như bã cà phê

- Buồn nôn, nôn, đau dạ dày nghiêm trọng

- Sốt kéo dài hơn 3 ngày

- Sưng và đau kéo dài hơn 10 ngày

- Vấn đề thính giác, ù tai

 

Tác động của aspirin lên bệnh hen thế nào?

 

Aspirin nói riêng và các thuốc NSAID (thuốc kháng viêm không steroid) nói chung bao gồm nhiều chất có thành phần hóa học khác nhau nhưng cách thức tác dụng gần tương tự nhau là ức chế các chất trung gian hóa học gây viêm, nhất là prostaglandin.

 

Tác dụng phụ của các aspirin thuốc kháng viêm không steroid nói chung là có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen nặng ở bệnh nhân hen phế quản.

 

Đặc biệt là ở những người bệnh hen có kết hợp với viêm xoang và polyp cuốn mũi, các cơn hen nặng sẽ xuất hiện với các triệu chứng trầm trọng hơn.

 

Đồng thời, các aspirin có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen cho một số trường hợp không có bệnh hen trước đó, người bệnh sau khi dùng aspirrin có thể xuất hiện các triệu chứng của hen sau khi dùng thuốc.

 

Có trường hợp người bệnh hen đã điều trị ổn định, do không biết nên đã dùng aspirin chữa đau đầu, bất ngờ lên cơn hen rất nặng phải cấp cứu. Nguy cơ phản ứng của các thuốc này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng dùng và mức độ nhạy cảm của từng cá nhân.

 

Aspirin có thể gây ra phản ứng lên cơn hen không theo cơ chế miễn dịch, vì thế còn gọi là dị ứng giả hay đặc ứng. Cơ chế đặc ứng gây hen của aspirin liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có liên quan tới mất cân bằng chuyển hóa acid arachidonic, tăng giải phóng các chất trung gian từ dưỡng bào (mastocyte) phế quản, các chất trung gian tiền viêm, prostaglandin và leucotrien...

 

Các phản ứng của người có bệnh hen với aspirin và các thuốc NSAID có biểu hiện tương đối giống nhau. Các cơn hen cấp thường xuất hiện khoảng một giờ sau uống thuốc, sau đó xuất hiện chảy nước mũi, đỏ mắt và nổi ban đỏ ở đầu và cổ. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm. Một liều duy nhất của các thuốc này có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở. Các phản ứng này ít xảy ra ở người trẻ tuổi mà thường xuất hiện sau tuổi 30 - 40, rồi tồn tại đến hết đời.

 

Những bệnh nhân có nhạy cảm với aspirin nên cố gắng tránh dùng aspirin cũng như những sản phẩm có aspirin và những sản phẩm có liên quan đến aspirin như thuốc NSAID (ibuprofen, piroxicam, ketoprofen...).

 

Hen nhạy cảm với aspirin hiếm thấy ở trẻ em nhưng khi trẻ bị hen nhạy cảm với aspirin cũng không bao giờ được dùng aspirin. Nếu người có bệnh hen buộc phải sử dụng aspirin hoặc các thuốc NSAID thì nên chọn sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc men cyclooxygenase 2 (COX-2) như rofecoxib, nimesulid. Việc điều trị giảm mẫn cảm với các thuốc này có thể được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa nếu cần thiết.

 

Nếu bệnh nhân hen phế quản không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải dùng các thuốc này thì nên dùng thử và theo dõi phản ứng. Việc dùng thử aspirin chỉ nên thực hiện ở bệnh viện và khi bệnh hen ở người bệnh đã thuyên giảm. Người mắc hen phế quản đã biết là không nhạy cảm với aspirin (đã dùng trước đây nhưng không có vấn đề gì) thì có thể sử dụng aspirin và các sản phẩm có liên quan đến aspirin.

 

Hen phế quản do aspirin thường xảy ra ở những người có tiền sử dị ứng (viêm mũi dị ứng, người từng có những cơn hen đã điều trị ổn định...). Bệnh hen xuất hiện đợt cấp tính khi sử dụng aspirin, các triệu chứng thường xuất hiện 2 - 3 giờ sau dùng thuốc với biểu hiện nặng, kéo dài, thậm chí tử vong. Vì vậy, các trường hợp viêm mũi xoang dị ứng là đối tượng nguy cơ cao bị hen do thuốc aspirin cũng nên tránh dùng aspirin.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

 

Người bệnh hen nên dùng thuốc kiểm soát cơn hen theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần tránh các yếu tố dị nguyên dễ gây kích thích cơn hen như: phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá... Việc bệnh nhân hen phải dùng thuốc để điều trị các bệnh khác cũng cần thận trọng.

 

Nguyên tắc sử dụng thuốc aspirin nói riêng và các thuốc NSAID nói chung: Cần bắt đầu bằng loại thuốc có ít tác dụng phụ nhất, dùng liều tối thiểu có hiệu quả, không vượt liều tối đa; thận trọng với bệnh nhân có tiền sử dạ dày, dị ứng, suy gan, suy thận, người già, phụ nữ có thai.

 

Phải theo dõi các tai biến, tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc và chú ý các tương tác của thuốc NSAID (aspirin) với các thuốc khác. Không kết hợp các thuốc NSAID với nhau vì không làm tăng hiệu quả mà chỉ tăng tác dụng phụ.

 

Tổng đài bác sĩ tư vấn 1800 5454 35 / zalo 0916 561 338

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát