Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3
Xử trí cơn hen & Kiểm soát bệnh hen

Cách chữa hen suyễn cho bà bầu


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Hen suyễn ở bà bầu có nguy hiểm không?
  2. Cách chữa hen suyễn cho bà bầu

Cách chữa hen suyễn cho bà bầu an toàn là thông tin được tìm kiếm rất nhiều trên internet. Trên quan điểm của một bác sĩ, tôi phải khẳng định rằng thông tin về cách chữa hen suyễn cho bà bầu trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Tất cả những thuốc điều trị hen suyễn cho bà bầu đều phải được chỉ định trực tiếp của bác sĩ, quá trình điều trị bệnh hen suyễn cho bà bầu phải có sự theo dõi của bác sĩ để phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ và bé.

 

Hen suyễn ở bà bầu có nguy hiểm không?

 

Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể gặp ở nhiều đối tượng, trong đó có phụ nữ mang thai. Có những trường hợp phụ nữ khi đã mang thai mới xuất hiện bệnh lý hen mà trước đó hoàn toàn không mắc hen suyễn.

 

Hen suyễn hiện ảnh hưởng đến thai kỳ với tỷ lệ 3-8% phụ nữ có thai. Thai kỳ có thể làm thay đổi diễn tiến của hen suyễn và ngược lại hen suyễn có thể thay đổi kết cục của thai kỳ.

 

Mục tiêu chung của quản lý hen suyễn ở bà bầu là ngăn ngừa cơn hen suyễn cấp tính và tối ưu hoá chức năng hô hấp cho mẹ và bé. Cả bà bầu và người thân biết các nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ nếu hen không được kiểm soát tốt và thông báo tình trạng bệnh thường xuyên cho bác sĩ theo dõi điều trị để có hướng xử trí kịp thời, giảm thiểu những biến cố bất lợi mà hen suyễn gây ra trong thai kỳ.

 

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, khi mang thai, 1/3 trường hợp hen sẽ nặng hơn, 1/3 trường hợp hen nhẹ hơn và 1/3 trường hợp hen sẽ không thay so với trước khi có thai. Những trường hợp hen suyễn trở nặng hơn hay xảy ra vào tháng thứ 6, 7 của thai kỳ và thường nhẹ dần vào những tuần lễ cuối và cơn hen suyễn cấp tính hiếm khi xảy ra trong quá trình chuyển dạ.

 

Các nguy cơ ở bà bầu mà hen suyễn có thể gây ra bao gồm: tiền sản giật, xuất huyết âm đạo bất thường hay làm tăng tình trạng nôn nghén. Các nguy cơ đối với thai nhi gồm chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ ký hoặc tăng tử vong chu sinh.

 

 

Cách chữa hen suyễn cho bà bầu (Ảnh minh họa)

 

Cách chữa hen suyễn cho bà bầu

 

Bàn về cách chữa hen suyễn cho bà bầu, điều đầu tiên mà bà bầu quan tâm chắc chắn là bà bầu bị hen thì có thể dùng thuốc chữa hen suyễn nào? Có nên dùng thuốc trị hen suyễn khi mang bầu hay không?

 

Bà bầu mắc hen suyễn cần nhớ, điều trị hen suyễn trong thai kỳ với các loại thuốc thích hợp để duy trì kiểm soát hen sẽ an toàn hơn là không dùng thuốc và để xảy ra triệu chứng (hen không kiểm soát) cũng như cơn hen suyễn cấp tính.

 

Khi bác sĩ theo dõi điều trị hen suyễn cho bạn đã chỉ định thuốc điều trị hen cho bạn thì cũng đã cân nhắc những tác dụng phụ có thể kèm theo và lợi ích mà bạn nhân được khi hen được kiểm soát tốt trong thai kỳ. Đa phần các thuốc được chỉ định trong điều trị hen suyễn theo phác đồ của Bộ Y tế hiện nay là tương đối an toàn trong thai kỳ, dùng thuốc hen trong thai kỳ không khác biệt nhiều so với khi không có thai và đặc biệt trong đợt cấp (cơn hen cấp tính) thì điều trị cho cả hai đối tượng này là hoàn toàn giống nhau.

 

Ngoài đợt cấp, việc điều trị dự phòng (kiểm soát tình trạng viêm mạn tính đường thở) là vô cùng quan trọng; giúp người bệnh giảm nguy cơ từ việc lạm dụng thuốc cắt cơn. (Lạm dụng thuốc cắt cơn có thể dẫn đến nguy cơ nhờn thuốc, thuốc cắt cơn kém đáp ứng, cơn hen tái phát thường xuyên với tần suất ngày càng trầm trọng hơn, gặp các tác dụng phụ như giữ nước, run chân tay, tim đập hồi hộp...).

 

Dự phòng hen suyễn ở mọi đối tượng (bao gồm cả hen suyễn ở bà bầu) theo phác đồ của Bộ Y tế là sử dụng các thuốc corticosteroid dạng hít (viết tắt là ICS). Việc dùng ICS là cần thiết trong giai đoạn trước khi có thai và khi có thai cũng nên tiếp tục duy trì. Liều ICS cũng nên dùng ở mức tối thiểu cần thiết để kiểm soát triệu chứng và duy trì chức năng phổi ở mức bình thường so với giá trị dự đoán hoặc mức tốt nhất của bà bầu.

 

Còn với việc sử dụng corticoid uống (đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên) thì phải cân nhắc vì có nghiên cứu cho thấy, dùng corticoid uống có thể làm tăng nhẹ tỷ lệ hở môi kèm hay không kèm hở hàm ếch.

 

Có rất ít nghiên cứu về hiệu quả và/hoặc tính an toàn khi sử dụng phối hợp ICS+LABA (thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài) trong thai kỳ và cũng chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu ảnh hưởng của LABA riêng lẻ trên thai kỳ, tuy nhiên, LABA bị cấm sử dụng một mình mà không kèm ICS trong điều trị hen. Do vậy, khi tái khám bà bầu có thể hỏi rõ hơn bác sĩ về các thuốc đang sử dụng, tác dụng của chúng, nếu bệnh có tiến triển tốt hoặc xấu đi thì khi nào nên tái khám để bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị.

 

Ngoài dùng thuốc, còn những yếu tố khác ảnh hưởng tới quá trình kiểm soát hen suyễn ở bà bầu. Dưới đây là một số gợi ý:

 

- Xây dựng bản kế hoạch hành động hen trước, trong và sau khi sinh

- Đạt KIỂM SOÁT HEN HOÀN TOÀN trước khi mang thai sẽ giúp bà bầu an tâm hơn trong suốt thai kỳ.

- Bà bầu nên được theo dõi bằng lưu lượng đỉnh (nếu có) và tái khám mỗi 4-6 tuần. Ngoài thăm khám thai, bà bầu nên thăm khám định kỳ tại chuyên khoa hô hấp. Bất kỳ thay đổi nào về bệnh lý hen suyễn cũng cần được thông báo cho bác sĩ theo dõi thai kỳ của bạn và ngược lại, sự phát triển của thai nhi cũng cần được cập nhật thường xuyên cho bác sĩ theo dõi điều trị hen suyễn.

- Cơn hen suyễn cấp tính có thể làm giảm oxy cung cấp cho bào thai. Do vậy bất cứ diễn tiến xấu đi nào của các triệu chứng hen phải được giải quyết nhanh chóng.

- Các yếu tố khởi phát cơn hen nên được tránh tối đa nếu có thể được, đặc biệt là những chất dị ứng đã biết, nên kiêng hoàn toàn những thực phẩm làm khởi phát cơn hen trong suốt thai kỳ.

- Ngoại trừ một số ca quá nặng còn thông thường bà bầu vẫn có thể sinh thường. Không nên vì quá lo lắng mà yêu cầu bác sĩ cho sinh mổ. Việc sinh thường và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn có thể giúp giảm nguy cơ bé mắc hen suyễn sau này.

- Sản phụ sau sanh nên được tiếp tục đánh giá mức độ kiểm soát hen suyễn định kỳ và gia đình cần nhận thức được nguy cơ gia tăng bệnh hen cũng như các bệnh hô hấp khác ở trẻ khi em bé bị hút thuốc lá thụ động.

- Sau khi sanh phụ nữ vẫn có thể cho con bú trong khi vẫn tiếp tục dùng thuốc điều trị hen suyễn. Các thuốc hen suyễn có thể đi vào sữa mẹ, nhưng với nồng độ thường nhỏ nên dường như không gây hại cho đứa trẻ.

 

Tóm lại, hen suyễn và thai kỳ có thể tác động qua lại lẫn nhau nên có thể gây ra những tình huống xấu cho cả mẹ lẫn con do vậy cần thăm khám kỹ lưỡng và định kỳ trong giai đoạn này. Mục tiêu quan trọng nhất trong chăm sóc bà bầu mắc hen suyễn là tránh gây ra thiếu oxy cho thai nhi. Điều này chỉ có thể đảm bảo khi tình trạng hen suyễn của bà bầu được kiểm soát thật tốt. Người nhà và bản thân bà bầu không nên vì quá lo lắng các tác dụng phụ của thuốc Tây mà tìm đến các loại thực phẩm chức năng hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng để điều trị hen suyễn. Thai kỳ là giai đoạn vô cùng nhạy cảm, bất cứ loại thuốc nào đưa vào cơ thể đều phải được bác sĩ theo dõi điều trị hen suyễn chỉ định và theo dõi. Việc cần làm ngay hiện nay là tìm cho mình một bác sĩ theo dõi điều trị hen suyễn nếu bạn đang có ý định hoặc đã mang thai.

 

Chúc các mẹ bầu mẹ tròn con vuông. Luôn hạnh phúc và mạnh khỏe để chào đón bé yêu.

 

Bác sĩ tổng đài hô hấp 1800 5454 35

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát