Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Bệnh tim mạch trên bệnh nhân mắc hen phế quản


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Yếu tố nguy cơ chung
  2. Mối liên hệ trực tiếp giữa hen phế quản và bệnh tim
  3. Cơ chế chung
  4. Ảnh hưởng của thuốc điều trị hen phế quản với bệnh tim mạch
  5. Ảnh hưởng của thuốc tim mạch với bệnh hen phế quản
  6. Theo dõi bệnh nhân hen có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch
  7. Dự phòng và điều trị

Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính thường gặp nhất với trên 300 triệu người mắc trên thế giới và tỷ lệ mắc hen phế quản có khuynh hướng ngày càng tăng. Bệnh tim mạch là nguyên nhân đứng đầu gây tử vong trên thế giới. Chính vì vậy, xem xét mối quan hệ giữa bệnh lý hen phế quản và bệnh lý tim mạch sẽ có ý nghĩa rất lớn trong chăm sóc bệnh nhân hen phế quản, giảm biến chứng do bệnh lý tim mạch và hen phế quản gây ra cho người bệnh.

 

Yếu tố nguy cơ chung

 

Các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm cả khói thuốc lá và nitrogen dioxide (NO2) đã được chứng minh là làm tăng bệnh tim mạch và đồng thời ảnh hưởng xấu đến hen phế quản.

 

Ô nhiễm không khí nói chung: Trong thập kỷ vừa qua, các nghiên cứu dịch tễ tiến hành trên toàn thế giới đã ghi nhận sự tăng nguy cơ các biến cố tim mạch bao gồm tử vong do tim và đột quỵ một cách hằng định khi bị phơi nhiễm ngắn hoặc dài hạn với nồng độ ngày thường các chất gây ô nhiễm đặc biệt là các phần tử nhỏ.

 

Khói thuốc lá: Khói thuốc lá có trên 4000 hóa chất có khả năng gây hại cho cơ thể. Thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên 2 lần. Người hen hút thuốc lá thường hen sẽ nặng hơn với phản ứng viêm của khí phế quản liên quan chủ yếu đến bạch cầu đa nhân trung tính (khác với những bệnh nhân hen khác liên quan chủ yếu tăng bạch cầu ái toan) và tắc nghẽn ít hồi phục hơn.

 

Nitrogen dioxide: Nitrogen dioxide là một chất gây ô nhiễm làm tăng nguy cơ cả bệnh hen lẫn bệnh tim. NO2 được tìm thấy trong tầng ozone, nhưng cũng có nồng độ cao ở trong nhà, mà thường nhất là khi sử dụng bếp ga và các lò sưởi đun bằng dầu. Khi phơi nhiễm với NO2 tăng, nguy cơ bệnh tim tăng, đặc biệt trên bệnh nhân hen phế quản. Theo Hội Tim Mạch Hoa kỳ, chức năng hô hấp ở bệnh nhân hen đặc biệt dễ tổn thương khi tiếp xúc với NO2 cấp; trong khi ở người bình thường thì chức năng hô hấp lại không biến đổi.

 

Mối liên hệ trực tiếp giữa hen phế quản và bệnh tim

 

Một số nghiên cứu đã phát hiện được “bệnh nhân hen không hút thuốc tăng 33% nguy cơ bệnh tim mạch”. Đương nhiên ở những người hen có hút thuốc nguy cơ này tăng cao hơn nhiều.

 

Nghiên cứu của BS Tattersall MC được trình bày trong hội nghị khoa học Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association Scientific Sessions) năm 2014 thấy bệnh nhân hen dai dẳng tăng 60% nguy cơ biến cố tim mạch (nhồi máu cơ tim, ngưng tim được hồi sinh, cơn đau thắt ngực, đột quỵ, và chết do bệnh tim mạch/đột quỵ) khi so sánh với người không hen. Salako BL 2000 ghi nhận 37% bệnh nhân hen có tăng huyết áp. Cũng theo tác giả này, trong cơn hen cấp nặng, tăng huyết áp thường xảy ra. Hen làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành 1,4 lần, tai biến mạch máu não 1,2 lần và suy tim 2,1 lần (Schanen Thorax 2005).

 

 

Hen phế quản có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (Ảnh: benhhen.vn)

 

Cơ chế chung

 

Lý do là bệnh tim và hen phế quản đều là những bệnh lý viêm. C-reactive protein (CRP) và fibrinogen tăng đáng kể ở bệnh nhân hen dai dẳng, gợi ý một liên kết giữa các quá trình viêm trong hen và bệnh tim mạch. Các cytokine khác thường hay gia tăng trong hen cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

 

Trong cơn hen thường bệnh nhân có tăng huyết áp, mạch nhanh do cường giao cảm, thiếu oxy máu, toan chuyển hóa do acid lactic…Một nghiên cứu năm 2014 ghi nhận hội chứng vành cấp và tai biến mạch máu não tăng ở bệnh nhân hen so với bệnh nhân không hen. Các biến cố tim mạch này tăng hơn khi hen không kiểm soát (có nhiều cơn và/hoặc nhập viện do hen).

 

Ảnh hưởng của thuốc điều trị hen phế quản với bệnh tim mạch

 

Các thuốc và corticoid dùng chữa hen cũng làm tình trạng bệnh tim mạch xấu hơn. Thuốc kháng viêm corticoid đường uống có thể gây tăng nguy cơ bệnh tim đến 2,5 lần (Iribarren). Dùng corticoid toàn thân liều càng cao nguy cơ bệnh tim càng cao. Tuy nhiên các bệnh nhân hen dùng thuốc kiểm soát như corticoid hít và montelukast thì có tần suất bệnh tim mạch thấp hơn. Chính vì vậy, corticoid hít là thuốc nền tảng trong điều trị hen. Montelukast cũng hiếm có báo cáo tác dụng phụ trên tim mạch.

 

Các thuốc đồng vận beta dãn phế quản làm tăng nhịp tim, hạ kali máu. Qua cơ chế này và qua việc kích thích hệ giao cảm thuốc đồng vận beta có thể làm nặng hơn thiếu máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp và đột tử. Theophylline ngày nay hiếm được sử dụng hơn trong hen nhưng cũng là thuốc làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch nếu dùng liều cao.

 

Ảnh hưởng của thuốc tim mạch với bệnh hen phế quản

 

Bên cạnh đó người mắc hen phế quản có thể bị cơn hen cấp nếu sử dụng không phù hợp một số thuốc ức chế beta nhất là thuốc ức chế beta không chọn lọc, thường dùng trong bệnh lý tim mạch. Một số thuốc tim khác có thể có những phản ứng đặc dị hiếm gặp như aspirin có thể khởi phát hen trên một số bệnh nhân, thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho và/hoặc gây co thắt phế quản.

 

Theo dõi bệnh nhân hen có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch

 

Chẩn đoán bệnh tim mạch trên bệnh nhân hen cần lưu ý một số đặc điểm sau. Các triệu chứng hen bao gồm ho, khó thở, nặng ngực và khò khè. Đau ngực (mà không phải là nặng ngực) không gợi ý hen mà gợi ý bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc các bệnh lý lồng ngực gây đau ngực khác.

 

Ho trên bệnh nhân hen có rất nhiều nguyên nhân nhưng một khi ho mạn cần loại trừ do thuốc ức chế men chuyển hay được dùng trên bệnh nhân tim mạch. Khó thở và ngay cả khò khè có thể là triệu chứng của suy tim.

 

Vì vậy nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng của hen, các triệu chứng này có tính thay đổi thì có thể quy kết do hen và có thể điều trị thử bằng dãn phế quản và/hoặc corticoid.

 

Nếu bệnh nhân chỉ có đơn lẻ các triệu chứng nêu trên mà lại không có tính thay đổi và/hoặc không đáp ứng với dãn phế quản cần lưu ý đến các bệnh tim mạch phổ biến ở người hen hơn người không mắc hen. Các xét nghiệm tim mạch vẫn rất hữu ích trong chẩn đoán bệnh tim trên người mắc hen trừ khi làm trong cơn cấp. Ví dụ sự đánh giá bệnh tim qua siêu âm tim có thể khó khăn hơn trong cơn cấp do ứ khí trong phổi.

 

Dự phòng và điều trị

 

Bệnh nhân bị hen dai dẳng (phải dùng thuốc kiểm soát hen hằng ngày) và các bác sĩ của họ cần phải nhận thức rằng họ đang gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Nhưng thay vì lo lắng là hen có thể làm gia tăng tim mạch, bệnh nhân nên lưu ý dự phòng và điều trị bệnh tim nếu có bằng cách điều chỉnh ngay các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch có thể sửa đổi (tăng huyết áp, hút thuốc, thừa cân/béo phì, ít vận động, rối loạn lipid máu, tiểu đường).

 

Mặc dù hen không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều cách kiểm soát hen tốt, tránh hen không kiểm soát làm nặng thêm các bệnh lý tim mạch kèm theo. Kiểm soát hen bằng những thuốc kiểm soát được khuyến cáo (corticoid hít và montelukast) là an toàn và cần thiết. Hoạt động thể lực đều đặn giúp duy trì sức khỏe tốt không những cho bệnh nhân hen mà còn cho bệnh nhân tim mạch.

 

Nguồn: Hội hô hấp TP HCM

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát